Siết chặt chống gian lận, thất thoát doanh thu dự án BOT

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 26/02/2022 12:22 GMT+7

VTV.vn - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ, các nhà đầu tư triển khai nhiều giải pháp chống gian lận, thất thoát doanh thu các dự án BOT.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, nhiều dự án BOT đã hoàn thành, đưa vào khai thác góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nơi dự án đi qua. Việc quản lý vận hành, thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ được các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện cơ bản ổn định.

Siết chặt chống gian lận, thất thoát doanh thu dự án BOT - Ảnh 1.

Trạm thu phí Bắc Hải Vân. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát công tác thu phí tại một số trạm thu phí BOT cho thấy, vẫn còn xảy ra một số tồn tại như: chưa tuân thủ chế độ báo cáo về lưu lượng và doanh thu theo nội dung quy định trong hợp đồng dự án và quy định của Bộ Giao thông Vận tải; chưa nâng cấp trang thiết bị để thực hiện việc lưu trữ các dữ liệu thu theo quy định; miễn, giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đúng đối tượng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước và của hợp đồng dự án đối với việc quản lý thu, chi trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình, dự án.

"Nhà đầu tư BOT phải xây dựng các giải pháp tăng cường quản lý nội bộ, kiểm tra, xử lý vi phạm, sự cố, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thu phí; tăng cường tự kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong thu phí", Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Ngoài ra, các nhà đầu tư BOT cũng phải chấp hành và triển khai công nghệ thu phí theo hình thức tự động không dừng tại các trạm thu phí theo chỉ đạo của Chính phủ đáp ứng đúng tiến độ yêu cầ; đồng thời, tuân thủ nghiêm trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị thu phí được quy định tại Thông tư số 15/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, cũng như chế độ báo cáo quy định trong hợp đồng dự án.

Với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị này thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao với các dự án BOT được giao quản lý; cũng như chức năng quản lý nhà nước về hoạt động trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc thuộc hệ thống đường Trung ương quản lý.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng thu, dừng thu khi phát hiện nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án vi phạm quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức thanh, kiểm tra việc hoạt động của trạm thu phí trên hệ thống đường bộ theo quy định, kịp thời phát hiện các tiêu cực và có hình thức xử lý nghiêm vi phạm; đồng thời áp dụng các biện pháp, phương pháp khoa học để kiểm soát thu phí của nhà đầu tư nhằm tránh thất thoát doanh thu.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện cả nước có 62 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong đó 8 dự án đang tạm dừng thu phí. Như vậy, chỉ còn 54 dự án BOT đang thu phí hoàn vốn. Tổng số thu phí năm 2021 là hơn 11.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư BOT phải giảm thuế VAT, xả trạm thu phí khi ùn tắc Nhà đầu tư BOT phải giảm thuế VAT, xả trạm thu phí khi ùn tắc

VTV.vn - Các nhà đầu tư dự án BOT phải áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 8% đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước