Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Khó khăn và thách thức

Đình Hải-Thứ hai, ngày 28/01/2013 14:59 GMT+7

Ảnh minh họa

Thách thức một lần nữa được đặt ra khi năm 2012, tăng trưởng của Bảo hiểm Nhân thọ chỉ dừng ở mức 12%, thay vì con số 20% như mong đợi. Còn bảo hiểm phi nhân thọ thậm chí chỉ tăng 11,5%, mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Sau sự việc tập đoàn HSBC rút khỏi Bảo Việt vừa qua, hay tập đoàn New York Life của Mỹ và Allianz của Pháp trước đó dừng hoạt động kinh doanh Bảo hiểm tại Việt Nam, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, phải chăng thị trường bảo hiểm trong nước không còn hấp dẫn? Các doanh nghiệp này chỉ thuần túy cơ cấu lại hoạt động hay vì nguyên do nào khác?

Kinh tế khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu, một số người cho rằng, thị trường bảo hiểm không còn hấp dẫn. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Bảo hiểm Nhân thọ AIA khu vực châu Á lại cho rằng, đây là cơ hội của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Ông Huỳnh Thanh Phong, TGĐ Bảo hiểm Nhân thọ AIA khu vực châu Á nói: “Chúng ta phải tập trung vào những lĩnh vực nào chuyên nghiệp, những tập đoàn phát triển quá sang những lĩnh vực khác thì họ phải cơ cấu lại hoạt động”.

Sau gần 20 năm phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng, góp phần giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Việc doanh nghiệp bảo hiểm cơ cấu lại đầu tư nhằm nâng cao chất lượng hoạt động được coi là giải pháp để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn và chủ động tài chính.

Các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho rằng, việc tái cơ cấu lại hệ thống tài chính ngân hàng và hoạt động bảo hiểm sẽ kìm hãm đà tăng trưởng. Tuy nhiên đây được xem là cách tích cực để vực dậy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang khá khó khăn và khuyến khích thị trường bảo hiểm nhân thọ đang có nhiều tiềm năng.

Ông Huỳnh Thanh Phong, TGĐ Bảo hiểm Nhân thọ AIA khu vực châu Á cũng cho rằng: “12 tháng vừa qua, nền kinh tế trải qua những khó khăn. Tuy nhiên đó là liều thuốc đắng cần có được để chuyển đổi nền tài chính, trong 12 tháng tới tôi tin là sẽ khởi sắc”.

Cả nước hiện có 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và hơn 30 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Có thể nói, tiềm năng kinh doanh lĩnh vực này còn khá lớn, song để nâng cao chất lượng dịch vụ, quy trình khai thác và giải quyết bồi thường minh bạch, kịp thời và đủ năng lực tài chính đang là thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước