Nhìn lại 3 năm Mùa xuân Arab

Thùy Trang-Thứ ba, ngày 14/01/2014 20:56 GMT+7

Ngày hôm nay (14/1) là tròn 3 năm sự kiện thay đổi Chính phủ tại Tunisia, nơi được coi là điểm khởi đầu của làn sóng Mùa xuân Arab.

Tuyên bố từ chức vào ngày 14/1/2011 của Tổng thống Tunisia khi ấy, ông Ben Ali, đã đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống chính trị quốc tế, kéo theo một loạt những biến động chính trị trên khắp khu vực Trung Đông – Bắc Phi, mà những hệ quả của nó vẫn kéo dài đến hiện nay.

Đúng ngày này 3 năm trước, Tổng thống Tunisia khi ấy - ông Ben Ali – đã đưa ra tuyên bố từ chức. Một sự chấn động đối với đất nước Tunisia, khi mà ông Ben Ali đã lãnh đạo đất nước này trong suốt 23 năm. Một nhà lãnh đạo mà quyền lực tưởng như không thể suy suyển, đã bị lật đổ sau những cuộc biểu tình đường phố.

Nhưng đó mới chỉ là cơn địa chấn đầu tiên. Những sự kiện ngay sau đó đã thực sự làm rung chuyển khu vực Trung Đông – Bắc Phi.

Chưa đầy 10 ngày sau cuộc lật đổ Tổng thống Tunisia, làn sóng xuống đường biểu tình lan sang Ai Cập. Tổng thống Ai Cập Mubarak, sau 29 năm nắm quyền, đã trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo phải ra đi. Tiếp đó cũng là những vị Tổng thống kỳ cựu khu vực Trung Đông - Bắc Phi: Tổng thống Gaddafi - 42 năm lãnh đạo đất nước Libya, Tổng thống Saleh - 33 năm lãnh đạo đất nước Yemen, đều lần lượt bị lật đổ. Cũng ngay trong năm 2011, sức ép của các cuộc xuống đường đã khiến Morocco và Jordan phải sửa đổi Hiến pháp, một loạt các nước khác cũng chứng kiến các cuộc biểu tình rộng khắp: Syria, Bahrain, Saudi Arabia, Algeria, Oman và Kuwait.

Sau 3 năm nhìn lại, Mùa xuân Arab đã mang lại những gì? Tại Tunisia, 3 năm sau, thất nghiệp và nghèo đói, nguồn cơn của các cuộc biểu tình, giờ vẫn là nỗi lo hàng ngày.

Trước Mùa xuân Arab, Trung Đông - Bắc Phi là khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao hàng đầu thế giới, thất nghiệp ảnh hưởng tới hơn 20 triệu người, khiến tỷ lệ đói nghèo chiếm tới một nửa dân số. Sau 3 năm, tình hình vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, các nước Arab cần tạo ra 100 triệu việc làm từ nay đến năm 2020.

Nhưng để tập trung phát triển kinh tế thì trước hết phải có sự ổn định chính trị, một đòi hỏi cấp thiết nhưng là điều chưa hề hiện hữu tại nhiều nước ở khu vực này.

Ngay tại Tunisia, quân bài domino đầu tiên và được đánh giá là nơi tình hình tương đối yên tĩnh, các Chính phủ vẫn liên tục thay đổi, việc chuyển giao quyền lực vẫn kéo dài đến tận đầu năm nay, khi một vị Thủ tướng mới lại vừa nhậm chức cách đây 3 hôm. Trong khi đó, biến động chính trị và tình trạng mất an ninh vẫn bao trùm một loạt quốc gia trong khu vực, mà nóng nhất hiện nay là Ai Cập và Syria.

Ông Ashraf El Sheikh, nhà phân tích chính trị nói: "Mùa xuân Arab dường như mới mang lại những thay đổi bước đầu về thể chế, chứ không phải là những cải cách sâu rộng về kinh tế - xã hội, điều mà người dân chờ đợi”.

Những gì đã và đang diễn ra tại Trung Đông – Bắc Phi sau làn sóng Mùa xuân Arab cho thấy việc lật đổ các chính quyền không phải là lời giải cuối cùng cho những trục trặc mang tính hệ thống.

Các định chế tài chính quốc tế dự báo các nước chịu nhiều ảnh hưởng từ Mùa xuân Arab có thể phục hồi sau 4 - 5 năm nữa. Nhưng quãng thời gian đủ để các nước này bước ra khỏi những khó khăn hiện nay và không rơi vào cuộc khủng hoảng mới, trên thực tế có thể sẽ còn kéo dài hơn thế.

Mời quý độc giả theo dõi video chi tiết:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước