5 năm sau ca ghép gan đầu tiên: Bệnh nhân vẫn khỏe mạnh

Kim Xuân, icon
11:37 ngày 15/01/2013

Thành công của ca ghép gan người lớn đầu tiên cách đây 5 năm đã mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh xơ gan, ung thư gan. Điều này cũng khẳng định kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam không thua kém gì các nước trên thế giới.

5 năm sau ca ghép gan, chị Nguyễn Thị Nhâm đã ổn định sức khỏe và sinh hoạt bình thường.

Chị Nguyễn Thị Nhâm là bệnh nhân người lớn đầu tiên tại Việt Nam được tập thể cán bộ bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép gan. Sau 5 năm, cuộc sống của chị đã trở lại bình thường.

Mỗi tháng một lần chị Nguyễn Thị Nhâm sẽ phải đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan và sức khỏe.

Trước khi ghép gan bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, huyết áp thấp và thấp khớp. Nếu như trước đây bệnh nhân có thể tự dùng thuốc, nhưng để chống đào thải sau ghép gan bệnh nhân phải tuân thủ ngặt nghèo các qui định của bác sĩ.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết: "Hiện nay sức khỏe của chị Nhâm gần như bình thường, chị ấy có tiền sử huyết áp thấp lại bị bệnh xơ gan và ung thư gan, thực hiện ghép gan được hơn 5 năm. Khám lại cho chị Nhâm chúng tôi thấy các chỉ số xét nghiệm hoàn toàn bình thường".

Ca ghép gan người lớn đầu tiên tại Việt Nam được bệnh viện Việt Đức thực hiện cách đây 5 năm. PGS Nguyễn Tiến Quyết, chỉ huy trưởng của ca ghép vẫn còn nhớ như in những sự cố, những vấn đề gặp phải của ca ghép đầu tiên.

PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết thêm: "Gần 2 tháng sau khi ghép gan thì chị Nhâm có những biểu hiện thải ghép tăng lên và có biểu hiện sốt nhẹ, nhưng bấy giờ chúng tôi cũng không có kinh nghiệm nên phải theo dõi rất cẩn thận, rất chi tiết và phải chẩn đoán rất tỉ mỉ, một điều nữa là chúng tôi chưa chọc để sinh thiết được bằng kinh nghiệm. Bằng kiến thức đã đọc trên sách vở cũng như trao đổi với các chuyên gia nước ngoài thì chúng tôi kết luận đó là thải ghép, sau đó bắt đầu uống thuốc chống thải ghép".

Từ một bệnh nhân xơ gan, ung thư gan và theo chẩn đoán của nhiều bác sĩ khả năng sống của bệnh nhân Nguyễn Thị Nhâm chỉ kéo dài được nửa năm. Thành công của ca ghép gan đã giúp bệnh nhân Nhâm có được một cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Ông Vũ Quốc Tuấn, chồng bệnh nhân Nhâm, tại Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ: "Tính từ khi ghép tạng sau đó gần 2 năm thì vợ tôi có vào viện một lần nhưng lúc đó bệnh không phải do gan mà do bệnh xoang có biểu hiện đau nhức và sốt, ban đầu cũng lo lắng, sau khi vào bệnh viện thì điều trị hết 1 tuần. Hơn 3 năm sau thì không phải nhập viện vì bệnh gì cả".

Sau thành công của ca ghép gan người lớn đầu tiên, bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công 10 ca ghép gan. Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng thế giới, tuy nhiên nguồn tạng vẫn còn rất khan hiếm. Trong khi đó mỗi năm gần chục nghìn bệnh nhân được chỉ định ghép tạng nhưng sau 5 năm mới có 24 ca ghép gan và 600 ca ghép thận.

Cùng chuyên mục