Phòng và điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống

Kim Xuân , icon
08:17 ngày 12/07/2013

Thoái hóa cột sống là căn bệnh thường gặp ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người trẻ có thói quen vận động, làm việc không khoa học cũng sớm mắc các bệnh lý về cột sống. 

Các nghiên cứu cho thấy cột sống được xem như một trụ cột chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Cột sống bao gồm nhiều đốt xương sống riêng lẻ nhờ hệ thống dây chằng và cơ kết nối chúng lại thành một trục. Dọc theo chiều dài cột sống ở phía sau có chứa tủy sống và dây thần kinh đi từ trên não xuống. Khi có một nguyên nhân nào đó làm thay đổi cấu trúc này thường gây ra bệnh về cột sống.

Theo các bác sĩ, vị trí thoái hóa cột sống bao gồm: Cổ, lưng, thắt lưng. Nguyên nhân thường gặp là do lão hóa cơ thể, vì thế, bệnh thường xuất hiện ở tuổi 35, 40 trở lên.

‘ Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật cột sống, PGĐ Bệnh viện Việt Đức cho biết: “Bệnh lý cột sống thường hay gặp nhất là thoái hóa cột sống. Thoái hóa cột sống có nghĩa các đốt sống mọc gai, khi bị bệnh này bệnh nhân chỉ cảm thấy đau lưng mà không có chèn ép lên rễ thần kinh. Trường hợp hay gặp tiếp theo cũng do thoái hóa cột sống là bệnh trượt đốt sống, đặc biệt trượt đốt sống thường hay xảy ra ở phụ nữ”.

Để nhận biết bệnh thoái hóa cột sống, có thể căn cứ vào một số biểu hiện điển hình sau: Cơn đau tại các vùng cổ, thắt lưng, gáy xuất hiện thường xuyên, âm ỉ, gây hạn chế vận động của cột sống, hay đau tăng khi vận động, dáng đi không bình thường, cong vẹo. Ngoài ra, cơn đau dai dẳng sẽ khiến người bệnh mệt mỏi vì mất ăn, mất ngủ, sức làm việc giảm sút…

PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cho biết thêm: “Khi xuất hiện các triệu chứng chèn ép thần kinh, đau chân hoặc tê chân, bệnh nhân đi bộ không đi xa được... bệnh nhân sẽ phải mổ và nắn chỉnh. Về liệu trình điều trị, một mặt là chống thoái hóa bằng các thuốc chống viêm và dị ứng; làm giãn cơ bằng thuốc giãn cơ hoặc kéo giãn bằng phương pháp vật lý hoặc bằng phục hồi chức năng để làm mềm cơ. Ngoài thuốc giảm quá trình thoái hóa, hiện nay còn có thuốc làm phục hồi mặt sụn, do khi bị bệnh toàn bộ mặt xốp của sụn bị rỗ và thoái hóa dần tùy theo mức độ và giai đoạn”.

Các bác sĩ khuyến cáo trong điều trị bệnh thoái hóa cột sống, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ sinh hoạt, làm việc và sử dụng thuốc hoặc sản phẩm bổ sung. Khi bị những cơn đau hành hạ nên nằm nghỉ, thả lỏng người trên giường cứng. Với các cơn đau cấp tính, cần xoa bóp, chườm nóng để làm giảm cơn đau. Khi đã từng bị đau lưng do thoái hóa cột sống một lần, lại càng phải giữ gìn, không để tái phát khiến bệnh tình trầm trọng hơn.

Để phòng thoái hóa cột sống người lao động chân tay nên nhớ không mang vác quá sức, không nhấc vật quá nặng, tránh những động tác sai tư thế khi bưng, bê, vác, đẩy… tránh tổn thương cột sống. Bên cạnh đó, việc tập thể dục thường xuyên, vừa sức cũng mang lại lợi ích to lớn cho xương khớp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chương trình "Sống khỏe" để tìm hiểu thêm về căn bệnh thoái hóa cột sống.

Cùng chuyên mục