BCĐ Trung ương Phòng chống tham nhũng họp phiên thứ nhất

Phương Mai -Thứ ba, ngày 05/02/2013 06:37 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

“16 thành viên trong Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng phải là những tấm gương sáng Liêm, Dũng, Chính, Trực” là yêu cầu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cũng là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Sáng 4/2, tại Hà nội, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã họp phiên thứ nhất. Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng gồm 16 thành viên. Ban chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, ban Nội chính Trung ương vừa mới được thành lập sẽ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Tại phiên họp thứ nhất, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng cũng đã nghe những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, quy định về phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo; thảo luận về báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, nghe báo cáo về một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp cần tập trung chỉ đạo, theo dõi đôn đốc.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực ngày 1/2/2013, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng được thành lập chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Tổng bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập Ban chỉ đạo thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân phòng chống tham nhũng - lĩnh vực cực kỳ phức tạp liên quan đến lợi ích vật chất, chủ nghĩa cá nhân và phần lớn tham nhũng lại có liên quan đến những người có chức, có quyền.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị là xuất phát từ yêu cầu khách quan với mong muốn quyết tâm cao hơn là tạo bước chuyển biến mới rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, liên quan đến cả lãng phí. Trước đây các đồng chí lãnh đạo cũng đã nói đến mức là quốc nạn rồi, suy vong của chế độ… ta làm quyết liệt mới được như bây giờ, nhưng rõ ràng còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, bền bỉ, kiên trì chứ không thể nóng vội. Lần này có mấy thuận lợi, thứ nhất là thời điểm này, toàn Đảng, toàn dân hết sức là quan tâm, Đảng ta quyết tâm rất cao thì mới thành lập Ban chỉ đạo này và Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị có nghĩa là Bộ Chính trị chỉ đạo toàn diện tất cả các lĩnh vực, các cấp các ngành trong cả hệ thống chính trị. Chúng ta lại có ban Thường trực là ban Nội chính TƯ trực thuộc Bộ Chính trị, Ban bí thư như vậy vị thế lớn hơn nhiều.

Phân tích những thuận lợi cũng như kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân đối với việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất để Ban chỉ đạo làm việc có hiệu quả, quyết liệt phòng chống tệ nạn tham nhũng là phẩm chất trong sạch, trung thực của các thành viên trong Ban chỉ đạo. Tổng bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo cần phải kế thừa và phát huy kết quả, kinh nghiệm của Ban chỉ đạo trước đây đã làm được; rút kinh nghiệm những gì chưa làm được, để từ đó xác định những yêu cầu mới đặt ra.

Trước mắt, Ban chỉ đạo cần phải thực hiện ngay một số công việc: Xây dựng quy chế làm việc, hoàn thiện việc phân công các thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác và xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013. Tổng bí thư cũng yêu cầu đối với những vụ án lớn, Ban chỉ đạo không xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước