“Nồi cơm thạch sanh” cũng không kham nổi bộ máy hành chính cồng kềnh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 31/10/2017 10:19 GMT+7

VTV.vn - Đây là cách ví von của đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) trong phiên thảo luận Quốc hội hôm qua (30/10).

Chuyện bộ máy hành chính còn cồng kềnh, tiêu tốn ngân sách tuy không phải là vấn đề mới nhưng với những số liệu từ Đoàn giám sát của Quốc hội vừa công bố đã giúp phản ánh chân thực hơn tình hình hiện tại.

“Nồi cơm thạch sanh” cũng không kham nổi bộ máy hành chính cồng kềnh - Ảnh 1.

Nhìn vào biểu đồ của tờ Tuổi trẻ trích dẫn số liệu từ báo cáo của Đoàn giám sát, trong số hơn 30.000 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính từ năm 2015, chỉ có 3,7% là thực sự từ đảm bảo được toàn bộ chi phí hoạt động. Trong khi đó, có đến 60,5% là ngân sách Nhà nước vẫn phải chi trả toàn bộ.

Dù Nhà nước cố gắng tiến hành cải cách, giảm biên chế nhưng tốc độ còn chậm như trong hai năm 2015 - 2016 mới giảm được 0,83% trong khi tổng biên chế tính từ năm 2011 - 2016 đã phình thêm gần 4,8% và đến nay 11 địa phương vẫn đang sử dụng vượt quá số biên chế được giao.

Cũng đưa ra một hình tượng so sánh về chuyện biên chế, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) ví von "biên chế như hình cái phễu, đầu vào thì to, đầu ra thì nhỏ". Ở Trung ương cố giảm, ở dưới lại tăng nghĩa là "bóp trên phình dưới".

Dù báo cáo của Đoàn giám sát lên tới hơn 6.000 trang nhưng ông Tám cho hay, nếu chưa có câu trả lời thỏa đáng rằng có bao nhiêu phần trăm cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ sẽ còn khó tinh giản đúng đối tượng.

“Nồi cơm thạch sanh” cũng không kham nổi bộ máy hành chính cồng kềnh - Ảnh 2.

Nói về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, mãi vẫn khó tinh giảm, tờ Tuổi trẻ viết: "Đó là do bộ máy vẫn còn có quá nhiều tầng nấc trung gian, với các chức vụ, cấp hàm được bổ nhiệm tràn lan, vô lý".

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát hiện trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội đã có yêu cầu phải "giảm cấp trung gian" nhưng lại không giải thích cấp trung gian là những cấp nào.

Theo một số đại biểu đã đến lúc Quốc hội cần chỉ rõ ra các cấp trung gian ở đây chính là các tổng cục, cục, vụ, chi cục; trong bộ máy các đơn vị này lại có văn phòng cấp cục, vụ… cần phải tinh giảm.

Đánh giá chung về cải tổ bộ máy hành chính, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng vẫn còn hiện tượng trên ôm đồm, dưới đùn đẩy, việc gì cũng xin phép dẫn đến quá tải ở trên, công việc bị ách tắc.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định: "Chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng, đến lúc đó mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này".

Quốc hội thảo luận về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước Quốc hội thảo luận về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước

VTV.vn - Hôm nay (30/10), Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước