Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải xây dựng đô thị đối trọng để giảm áp lực dân số cho Hà Nội, TP.HCM

H.T-Thứ tư, ngày 05/06/2019 10:49 GMT+7

VTV.vn - Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải có quy hoạch để xây dựng các đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh nhằm "giữ chân" người dân.

Làm thế nào để "giữ chân" người dân, giảm áp lực tăng dân số ở nội đô?

Sáng nay (5/6), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã tham gia chất vấn, giải trình các vấn đề có liên quan đến nhóm vấn đề thứ hai về lĩnh vực xây dựng, trong đó có các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (codotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã đặt ra câu hỏi về giải pháp giảm áp lực tăng dân số ở nội đô như sau: "Áp lực về tăng dân số nội đô có nguyên nhân từ công tác xây dựng và quy hoạch, vậy Chính phủ có giải pháp hiệu quả gì để đạt được mục tiêu giảm áp lực tăng dân số ở nội đô, đặc biệt là các đô thị lớn?"

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định xu hướng tập trung hóa đô thị ở nước ta đang tăng rất nhanh cùng với xu hướng của các nước đang phát triển: "Người dân dịch chuyển về các khu đô thị lớn, nơi có chất lượng dịch vụ tốt để tìm kiếm việc làm, điều kiện sống tốt hơn dẫn đến dân số các khu đô thị tăng nhanh, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Mỗi năm dân số tăng cơ học là trên 2%. 5 năm tăng 1 triệu người, bằng đô thị lớn khác của Việt Nam. Dân số nội thành rất cao. Trong khi đó, hạ tầng giao thông đô thị không theo kịp quá trình gia tăng dân số, từ đó gây áp lực lên giao thông, y tế, môi trường, ảnh hưởng phát triển bền vững…".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần giải pháp đồng bộ để thực hiện: "Trước mắt phải kiểm soát chặt việc xây dựng nhà cao tầng và mật độ xây dựng nội đô như nhiều đại biểu Quốc hội đã nói. Phải có quy hoạch để xây dựng các đô thị đối trọng, đô thị vệ tinh nằm trong vùng đô thị như Hà Nội, TP HCM với hệ thống hạ tầng đồng bộ, chất lượng, hiện đại để hấp dẫn người dân đến ở nhằm giảm dân số nội đô".

"Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phía Bắc sông Hồng trở thành những đô thị hiện đại, chất lượng, làm đối trọng để thu hút người dân nội đô ra khu vực này cũng như phát triển đô thị bền vững..." - Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Phải xây dựng đô thị đối trọng để giảm áp lực dân số cho Hà Nội, TP.HCM - Ảnh 1.

Quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội hiện nay

Về dài hạn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có chiến lược xây dựng quy hoạch quốc gia, xây dựng đô thị vùng gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, từ đó "giữ chân" người dân ở lại, giảm áp lực dân số ở các đô thị lớn.

Dự án treo, đất bỏ hoang là do chất lượng quy hoạch kém

Về tình trạng quy hoạch treo, dự án treo, đất bỏ hoang mà nhiều đại biểu đã nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch: "Người dân muốn đầu tư xây dựng, muốn làm nhà, sửa chữa nhà, đầu tư sản xuất... thì không thể làm được vì vướng quy hoạch, nhưng muốn chuyển đi nơi khác thì nhà nước không có tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng vì chưa thực hiện các dự án đầu tư ở đây. Từ đó làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai và hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội".

Về nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng khẳng định trước hết là do chất lượng quy hoạch kém, dự báo thiếu chính xác, thiếu khoa học. Quy hoạch nhu cầu sử dụng đất vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn lực đầu tư. Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện để cân đối các nguồn lực đầu tư, xác định lộ trình đầu tư trong từng giai đoạn phù hợp với khả năng của nguồn lực và đáp ứng quy hoạch để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong từng thời kỳ chưa thực hiện quy hoạch nhằm sử dụng hiệu quả đất đai.

Bên cạnh đó là do công tác thực hiện quy hoạch thiếu kế hoạch dẫn đến có tình trạng cấp phép dự án tràn lan, theo phong trào, không phù hợp với nhu cầu cầu của thị trường về các sản phẩm bất động sản.

Có dự án treo đến gần 30 năm, bảo sao dân bức xúc! Có dự án treo đến gần 30 năm, bảo sao dân bức xúc!

VTV.vn - Giá đất, khung giá đất, các dự án treo... là những "điểm nóng" trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội vào sáng nay (27/5).


"Nếu thực hiện tất cả các dự án đã được cấp phép thì dẫn đến dư thừa sản phẩm bất động sản và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản như đại biểu có ý kiến. Nhưng nếu hạn chế xảy ra xây dựng sẽ dẫn đến tình trạng dự án treo, đất bỏ hoang. Cùng với đó, việc lựa chọn các nhà đầu tư thiếu năng lực về quản lý và tài chính cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án treo, đất bỏ hoang" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Về giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết phải đẩy mạnh công tác lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch nên phải có cơ chế để lựa chọn các nhà tư vấn quy hoạch, có năng lực, kinh nghiệm.

Thứ 2 là phải thường xuyên cập nhật, rà soát thông tin quy hoạch, công khai quy hoạch, lắng nghe ý kiến của người dân, góp ý về quy hoạch trong việc lập quy hoạch cũng như trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Sau khi có quy hoạch phải lập kế hoạch quy hoạch, trong đó xác định lộ trình, cần đối nguồn lực đúng theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần gắn việc thực hiện quy hoạch với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia, chú trọng nhà ở xã hội, nhà ở chính sách, nhà ở cho người có công…

Ngoài ra cần phải tăng cường công tác kiểm tra quy hoạch, phát hiện kịp thời các vị phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định do lỗi của nhà đầu tư, xử lý trách nhiệm của các cán bộ gây ách tắc tiến độ dự án làm thiệt hại cho nhà đầu tư và Nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước