Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh

Ngọc Hà -Thứ ba, ngày 21/05/2013 06:28 GMT+7

(VTV News)- Bên lề kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII, phóng viên VTV đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu  xung quanh nội dung bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, nhiều ĐBQH cho rằng, họ sẽ thận trọng trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh quan trọng, trong đó phải nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Vì nếu đánh giá không chính xác, không công tâm thì không thúc đấy được công việc của những người đảm nhận các chức danh đó.

Bà Bùi Thị An, ĐBQH Thành phố Hà Nội: Trên cơ sở giám sát thực tiễn cũng như lắng nghe tiếng nói, kiến nghị của cử tri, có thể đánh giá được những đồng chí đã được giao trọng trách do Quốc hội bầu ra và phê chuẩn.

Ông Trần Ngọc Vinh, ĐBQH Thành phố Hải Phòng: Hiện nay, Quốc hội đã gửi bản tự đánh giá về chức năng, hoàn thành nhiệm vụ của 49 chức danh này, chúng tôi nghiên cứu một cách rất kỹ. Đây chỉ là một trong những kênh, còn những kênh khác chúng tôi xem là việc thực hiện công vụ của những chức danh đó trên thực tế. Thứ hai cũng xem dư luận đánh giá thế nào, và đặc biệt là xem đánh giá của cơ quan thông tin đại chúng về những công việc mà chức danh đồng chí đó đảm nhận.

Ghi nhận bỏ phiếu tín nhiệm là một bước tiến, là sự đổi mới tích cực trong hoạt động giám sát của Quốc hội, tuy nhiên ông Dương Trung Quốc cho rằng, thực hiện điều này là không đơn giản. Để kết quả lấy phiếu phản ánh đúng tín nhiệm của người dân, đây thực sự là một thách thức lớn đối với mỗi đại biểu.

Ông Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Căn cứ một bản điều trần hay là kiểm điểm hay là sự nhận xét bên ngoài, tôi cho điều đó không đơn giản. Tập tính của người Việt Nam ta là dễ xuê xoa, nể nang lẫn nhau, rồi những ràng buộc của cơ chế, của lợi ích chẳng hạn. Mối quan hệ của một địa phương với các chức danh của Trung ương… ngay những thứ đó, muốn có được kết quả như mong muốn là không đơn giản. Và cuối cùng không đơn giản như thế mà kết quả đưa ra mà để người dân thất vọng, không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân tạo ra một thử thách rất lớn đối với ĐBQH - điều mà chúng ta đã nhìn thấy ở một vài thử nghiệm ở địa phương mà người dân bình luận hết sức buồn bã là… hòa cả làng.

Theo quy định, người bị 2/3 số ĐBQH không tín nhiệm hoặc trong hai năm liên tiếp có số phiếu tín nhiệm dưới 50% sẽ phải chuyển sang bỏ phiếu. Dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành công việc này vào ngày 10/6, kết quả sẽ được công khai 1 ngày sau đó.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước