Thực tế những đợt mưa lũ lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung trong năm nay và mấy năm gần đây cho thấy thời tiết ngày càng cực đoan, mưa lớn bất thường, thay đổi rất mạnh theo không gian; trên cùng một xã, thôn, có nơi mưa rất to nhưng có nơi mưa nhỏ... Trong khi đó, hệ thống đo mưa của ngành khí tượng thủy văn còn ít do hạn chế về nguồn lực. Nhiều địa phương đã phải đầu tư trang bị hệ thống đo mưa tự động, chủ động triển khai phương án ứng phó, sơ tán dân, hạn chế nhiều thiệt hại.
Xã hội hóa cảnh báo thiên tai có thể nói là một lựa chọn cần thiết trong bối cảnh nguồn lực cho công tác này còn rất nhiều hạn chế. Không chỉ với trạm đo mưa, ngay tại miền Trung, với đặc điểm của vùng duyên hải kéo dài qua nhiều tỉnh thành thì hạ tầng cảnh báo cũng còn thiếu và yếu. Chính vì vậy, dự án xây dựng Hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho khu vực này. Theo tinh thần đó, Đà Nẵng và Quảng Nam là 2 địa phương đầu tiên được xây dựng một số trạm báo động trực canh cảnh báo thiên tai, kết nối trực tiếp với các cơ quan trung ương để cung cấp thông tin cảnh báo chính xác và sớm nhất. Sự hiện diện của các trạm trực canh đã tạo thêm sự an tâm cho người dân và cũng như là sự nhắc nhở về tinh thần cảnh giác với thiên tai trong cộng đồng.
Bên cạnh yếu tố công nghệ, để hoàn thiện hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu còn cần yếu tố con người – tức là kiến thức và ý thức của cộng đồng về phòng chống, ứng phó thiên tai. Vì vậy, song song với việc triển khai hạ tầng và công nghệ cho hệ thống trực canh, công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và cách thức vận hành hệ thống cũng thường xuyên được tổ chức tại các địa phương.