Chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

-Thứ hai, ngày 03/02/2014 06:00 GMT+7

60 năm về trước, năm Giáp Ngọ 1954, cả dân tộc Việt Nam đã giành chiến công vĩ đại khi đánh thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng này được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, hay Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Điện Biên Phủ đã làm vẻ vang dân tộc Việt Nam và ghi danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một vị tướng huyền thoại. Tuy nhiên, để có được chiến công lẫy lừng đó, chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dịp đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, chúng ta hãy cùng nhìn lại một số chỉ đạo mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa Xuân Giáp Ngọ 1954.

Sau khi sa lầy ở các chiến trường, cuối năm 1953, Pháp chủ trương xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là pháo đài kiên cố mà bộ đội ta không thể công phá được. Phương Tây coi đây là một sự chuyển hướng có tính chiến lược của tướng Nava.

Trong khi đó, tìm hiểu về cục diện chiến trường, đầu năm 1954, khi chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ định cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch, điều động lực lượng lên Tây Bắc và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Quyết tâm của ta là: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh".

 

‘ Ngày 6/12/1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Điện Biên Phủ được cả ta và địch chọn làm trận đánh then chốt để kết thúc chiến tranh. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không thắng không đánh”. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là chỉ đạo quan trọng, mang tính chiến lược.

Đại tá Trần Ngọc Long, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đây là đòn quyết định. Việc thắng thua của trận Điện Biên Phủ có ý nghĩa tác động đến toàn bộ cuộc chiến, vượt ra ngoài phạm vi một trận đánh thông thường trong lịch sử quân sự Việt Nam cũng như trong lịch sử quân sự thế giới. Tư tưởng chỉ đạo chiến lược là chỉ có thắng, có thắng mới giải quyết được các vấn đề kháng chiến đang đặt ra trong 9 năm trời. Thể hiện tầm nhìn chiến lược, phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế rồi mới khái quát một điều như vậy”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính nhờ tư tưởng chỉ đạo của Bác là “Phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến. Thay đổi này đã tạo nên thắng lợi lịch sử của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng này ghi danh Võ Nguyên Giáp thành một vị tướng huyền thoại.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, khi trả lời một chính khách nước ngoài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những biến đổi phi thường của lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua đều gắn liền công lao và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch”.

Còn Đại tướng Henri Navarre, người đối đầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên phủ đã nói: “Phía Việt Nam chiến thắng là đúng. Vì trong suốt 9 năm chiến tranh, họ chỉ có 1 người chỉ huy quân sự duy nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và 1 người chỉ huy chính trị cao nhất là Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, phía Pháp có tới 20 Chính phủ, 7 Tổng tư lệnh, 8 Cao ủy thay nhau liên tiếp chỉ huy ở Đông Dương mà vẫn thất bại”.

Quỳnh Trang

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước