Đó là một trong những nội dung chính tại diễn đàn quốc gia về an ninh bảo mật diễn ra tại Hà Nội mới đây.
Năm 2020, sẽ có gần 4 tỷ thiết bị trên khắp thế giới được kết nối với nhau qua Internet, đem lại nhiều tiện ích trong giao thông, y tế, giáo dục... cho người sử dụng. Tuy nhiên, người sử dụng sẽ đối diện với vấn đề mất dữ liệu thông tin lớn và thiệt hại kinh tế khi các cuộc tấn công mạng đang có xu hướng nhằm vào lỗ hổng của những thiết bị kết nối Internet.
Một trong những giải pháp công nghệ mới được giới thiệu tại diễn đàn quốc gia về an ninh bảo mật, đó là giải pháp công nghệ tự động phòng chống và chặn các trang web có chứa mã độc.
Tại diễn đàn quốc gia bảo mật 2018, các chuyên gia khuyến cáo, việc áp dụng giải pháp công nghệ điện toán đám mây sẽ là xu hướng bảo mật thông tin của tương lai, rất hữu ích không chỉ với cá nhân, mà cần ứng dụng công nghệ điện toán đám mây rộng rãi ở quy mô doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại diễn đàn này, giải pháp công nghệ sử dụng mật khẩu hai lớp trên các trang Facebook cá nhân hoặc xác thực bằng tài khoản cũng được chuyên gia khuyến khích người sử dụng áp dụng ngay, bởi mới đây, trong vụ rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng xã hội Facebook, ước tính hơn 400.000 tài khoản cá nhân Facebook tại Việt Nam đã bị lộ thông tin cá nhân.
Hiện Việt Nam trở thành 1 trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với gần 60 triệu người sử dụng thiết bị di động kết nối Internet. Đây là nền tảng thuận lợi để Việt Nam phát triển giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, từ đó tiến tới thành phố thông minh. Trong thành phố thông minh, các thiết bị sẽ kết nối với nhau qua Internet, tuy nhiên, vấn đề bảo mật thông tin cho người dân khi sử dụng mạng y tế trực tuyến trên toàn quốc hay lộ thông tin từ camera giám sát giao thông thông minh cũng là một trong những vấn đề đặt lên hàng đầu.
Theo các chuyên gia, trong năm qua, với lỗ hổng bảo mật cả về công nghệ và con người, tin tặc đã tấn công gây thiệt hại tới hơn 10.000 tỷ đồng cho người sử dụng Internet ở Việt Nam. Trong kỷ nguyên số 4.0, với sự bùng nổ của các thiết bị kết nối với nhau qua mạng Internet (IOT), vấn đề an ninh, bảo mật thông tin trên các thiết bị này ngày càng trở nên cấp thiết không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả ở trên thế giới.
Có thể thấy, vấn đề bảo mật trong kỷ nguyên của các thiết bị vạn vật kết nối đang trở thành đề tài nóng trên mọi diễn đàn lớn nhỏ trên thế giới. Theo dự đoán của Công ty Gartne - chuyên tư vấn về mảng công nghệ thông tin, trong năm 2018, thế giới sẽ chi khoảng 547 triệu USD cho việc bảo mật hệ thống vạn vật kết nối.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!