Những ngộ nhận thường gặp về bệnh tiểu đường

P.V, icon
10:17 ngày 19/09/2018

VTV.vn - Bệnh tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính phổ biến. Khi mắc bệnh, cơ thể bạn mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp.

Theo bác sĩ Phạm Thị Thu Hà -  Bệnh viện Thu Cúc, bệnh tiểu đường có ba loại chính: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và bệnh tiểu đường thai kỳ. Mặc dù là bệnh phổ biến nhưng có rất nhiều người có những ngộ nhận sai lầm về bệnh lý này:

Ăn nhiều đường là nguyên nhân gây tiểu đường type 2

Sự thật: Nguyên nhân gây tiểu đường type 2 đến nay vẫn chưa được xác định chính xác. Insulin là một hormone có vai trò kiểm soát lượng đường trong máu. Đối với người mắc tiểu đường type 2, cơ thể trở nên đề kháng hoặc không sản xuất đủ insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, đường, muối và cholesterol là yếu tố quan trọng để giữ gìn sức khỏe.

Người thừa cân, béo phì sẽ phát triển tiểu đường type 2

Sự thật: Thừa cân và béo phì là một trong số những yếu tố nguy cơ khiến bệnh phát triển nặng hơn. Tuy nhiên không phải tất cả những người thừa cân, béo phì đều mắc tiểu đường. Những yếu tố khác như tiền sử gia đình, trên 40 tuổi, vùng địa lý... cũng góp phần dẫn đến bệnh.

Tiểu đường luôn có những triệu chứng cảnh báo

Sự thật: Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 có thể phát triển chậm. Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ CDC ước tính, có khoảng 8 triệu người không biết mình đang mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường thường rất mơ hồ nên nhiều người thường bỏ qua. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh biểu hiện với các triệu chứng như đi tiểu nhiều, khát và đói. Các triệu chứng khác có thể là giảm cân, mệt mỏi, vết thương chậm lành, nhìn mờ...

Những ngộ nhận thường gặp về bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Người mắc bệnh tiểu đường thường xuất hiện các vết loét.

Tiền tiểu đường là không có gì để lo lắng

Sự thật: Tiền tiểu đường là tiền đề khiến bạn có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường type 2. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: có thể làm giảm khả năng mắc bệnh đến 58% nếu bạn giảm 7% trọng lượng cơ thể và thường xuyên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.

Tiểu đường type 2 không nghiêm trọng như tiểu đường type 1

Sự thật: Cả hai loại bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong. Các biến chứng bao gồm bệnh thận, giảm thị lực, bệnh thần kinh, đoạn chi, đau tim, đột quỵ... Nếu bệnh tiểu đường type 2 được kiểm soát và quản lý tốt có thể giúp ngăn ngừa hay trì hoãn các biến chứng.

Tiểu đường type 2 có thể chữa trị

Sự thật: Bệnh tiểu đường type không có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát với những thay đổi lối sống, thuốc uống và insulin. Trong một số trường hợp, có thể đưa mức đường máu trở lại bình thường và dừng thuốc tuy nhiên nguy cơ tái phát khá cao. Khi đã thuyên giảm, người bệnh cần duy trì trọng lượng, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất phù hợp.

Người bệnh tiểu đường không thể ăn đường, đồ ngọt hoặc tinh bột

Sự thật: Tinh bột, trái cây, đường, rượu và thậm chí hạt chứa carbohydrate có thể sử dụng nếu như được kiểm soát hợp lý. Người bệnh cần được các chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để có được khẩu phần thích hợp.

Người bệnh tiểu đường cần ăn một chế độ ăn đặc biệt

Sự thật: Người bệnh ăn những thực phẩm dành riêng cho người tiểu đường hoặc ăn kiêng là không cần thiết. Thực tế cho thấy, những thực phẩm này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Thay vào đó người bệnh nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo, cholesterol và muối. Nên ăn các loại rau tươi, trái cây và các loại hạt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục