Đua xe F1: Halo, thiết bị cứu sống tay đua vượt qua sự chỉ trích

Thế Vũ (VTV Sports)Cập nhật 15:31 ngày 28/08/2018

VTV.vn - Cho dù gặp phải những phản ứng vô cùng trái chiều từ các tay đua cũng như người hâm mộ, Halo là một thiết bị không thể thiếu trên một chiếc xe đua F1.

Ngay sau khi các tay đua xuất phát tại chặng đua GP Bỉ vừa qua, không ít khán giả phải thót tim khi chiếc xe McLaren của Fernando Alonso lao xuống chiếc Sauber của tài năng trẻ Charles Leclerc sau pha va chạm từ đằng sau của Nico Hulkenberg.

May mắn thay, Leclerc bước ra khỏi xe mà không gặp phải chấn thương gì. Nhìn qua những hình ảnh của thiết bị Halo bị hỏng hóc, Leclerc cũng cảm thấy may mắn khi có thiết bị này bảo vệ đầu của anh khỏi chiếc xe của Alonso khi anh trả lời báo trí:

"Tôi không biết chuyện sẽ kết thúc mà không có halo, nhưng nhìn vào nó, tôi vui vì nó ở đó."

Đua xe F1: Halo, thiết bị cứu sống tay đua vượt qua sự chỉ trích - Ảnh 1.

Thiết bị Halo của Leclerc sau khi bị Alonso va chạm

Bộ phận Halo lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong mùa giải năm 2018, sau 2 năm được FIA thử nghiệm liên tục nhằm ngăn chặn chấn thương đầu mà các tay đua gặp phải trong các giải đua xe bánh hở. Halo được thiết kế với khung vòng ở trên và cột giữa ở dưới, kết nối ở 3 điểm với chiếc xe. Bộ phận an toàn này nặng 9kg và được làm bằng titan và theo điều tra của FIA. Halo có khả năng tăng khả năng sống của một tay đua lên tới 17% và có thể chịu được sức nặng của một chiếc xe buýt hai tầng.

Việc kêu gọi cho bộ phận nhằm bảo vệ đầu cho các tay đua bắt đầu từ đầu những năm 2010 sau tai nạn khiến Felipe Massa phải bỏ dở nửa cuối mùa giải năm 2009 và cái chết của Henry Surtees (con trai của huyền thoại John Surtees) cùng năm. Sau tai nạn đáng tiếc của Jules Bianchi tại GP Nhật năm 2014 và Justin Wilson một năm sau đó tại IndyCar. FIA bắt đầu lên kế hoạch đưa hệ thống bảo vệ đầu cho các tay đua.

Đua xe F1: Halo, thiết bị cứu sống tay đua vượt qua sự chỉ trích - Ảnh 2.

Các vụ tai nạn đáng tiếc như của Jules Bianchi đưa ra hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của F1

FIA dự định đưa Halo vào F1 trong mùa giải năm 2017, thế nhưng kế hoạch này phải lùi lại một năm khi các quan chức FIA xem xét các phương án khác là Shield và Aeroscreen. Không chỉ có F1 được trang bị thiết bị bảo vệ đầu, các giải đua xe bánh hở khác cũng sẽ áp dụng hệ thống bảo vệ đầu Halo từ các mùa giải sau đó.

Cho dù việc áp dụng hệ thống Halo làm nhiều người hâm mộ và các tay đua thất vọng vì đề cao sự an toàn hơn là đề cao sự mạo hiểm mà nhiều người thường nghĩ. Khi giám đốc của đội đua Mercedes là Toto Wolff và tay đua Lewis Hamilton thể hiện sự không đồng tình với bộ phận bảo vệ này. Cho dù vậy, hệ thống Halo càng ngày được các tay đua và người hâm mộ trân trọng hơn sau khi cứu sống các tay đua.

Đua xe F1: Halo, thiết bị cứu sống tay đua vượt qua sự chỉ trích - Ảnh 3.

Aeroscreen (trái) và Shield (phải) là hai thiết bị bảo về đầu khác mà FIA thử nghiệm

Đặc biệt tại giải đua F2 năm nay tại Barcelona, khi chiếc xe của tay đua Nhật Bản Nirei Fukuzumi lao lên xe của người đồng hương Tadasuke Makino. Rất may mắn là bộ phận Halo  chắn được đầu của Makino khỏi chiếc xe mất kiểm soát của Fukuzumi.

Đua xe F1: Halo, thiết bị cứu sống tay đua vượt qua sự chỉ trích - Ảnh 4.

Pha va chạm giữa Fukuzumi (trái) và Makino (phải) tại chặng đua F2 tại Barcelona năm nay

Một vụ tai nạn khác xảy ra tại buổi chạy thử GP Anh khi chiếc xe Toro Rosso của Brendon Hartley gặp lỗi giảm sóc khiến chiếc xe mất kiểm soát và lao vào bức tường lốp. Các hình ảnh trên xe cho thấy đầu của Hartley đã có thể va vào tường lốp nếu không có bộ phận Halo đẩy ra.

Với việc bộ phận Halo tiếp tục đảm nhiệm tốt vai trò bảo toàn cho sự an toàn của các tay đua. Cho dù vẫn gặp phải nhiều sự chỉ trích, thế nhưng một điều có thể chắc chắn rằng bộ phận này là một phần không thể thiếu của các tay đua.