Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch cúm gia cầm H5N6. Hơn 25.000 con gia cầm đã buộc phải tiêu hủy. Đến xã Cẩm Tú, một trong những địa phương có tổng số gia cầm và trang trại, gia trại chăn nuôi nhiều nhất huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, vào thời điểm này, các hộ chăn nuôi đều có ý thức cao đối với việc phòng chống dịch bệnh.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là đối với dịch cúm AH5N1, H5N6 và H5N9, không chỉ riêng cán bộ thú y huyện Cẩm Thủy, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên liên lạc và đến các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nghiêm công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh máng ăn và khu vực chăn nuôi. Sau khi có thông tin về dịch cúm gia cầm bùng phát, công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn các xã, thị trấn đã được tăng cường với việc tập trung trực 24/24 giờ. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các huyện đã cấp hơn 45.000 lít hóa chất để tiến hành phun sát trùng ở những khu vực công cộng, tại nhiều chợ và đôn đốc các gia đình phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh.
Theo các cơ quan chuyên môn, cúm gia cầm là loại bệnh rất nguy hiểm bởi nó có thể lây sang người và gây tử vong. Trước thực tế đó, lực lượng thú y ở các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với những đơn vị, ban, ngành liên quan tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nâng cao ý thức về biện pháp phòng chống cho người chăn nuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!