Năm 2004, Washington nộp đơn kiện lên WTO, khẳng định rằng Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha là các quốc gia đã trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus, tạo những lợi thế cạnh tranh không công bằng. Giới chức Mỹ ước tính Airbus thu lợi nhuận hơn 200 tỷ USD từ hành vi này.
Một năm sau, châu Âu đáp trả bằng một đơn kiện khác tới WTO, cũng với nội dung là Boeing, hãng chế tạo máy bay đối thủ của Airbus, cũng nhận trợ cấp tới hơn 23 tỷ USD từ các cơ quan khác nhau thuộc chính phủ Mỹ từ năm 1989 tới năm 2005.
Trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, WTO đã luôn khẳng định cả hai phía đều trợ cấp thiếu công bằng cho các nhà sản xuất của mình, nhưng tới nay mới xác nhận về những thiệt hại. Đây sẽ là mấu chốt chính cho các biện pháp đáp trả qua lại của các bên.
Mỹ được phép áp thuế lên hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của EU, nhưng EU cũng đã nộp báo cáo đánh giá thiệt hại và đề nghị được áp thuế với số hàng hóa trị giá 12 tỷ USD của Mỹ. Trong vòng 6 tháng tới, WTO sẽ ra quyết định về đơn kiện của Pháp.
Hồi tháng 6 năm nay, Mỹ đã phát đi tín hiệu về việc áp dụng một cơ chế quản lý những khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không, ví dụ như: công khai những loại thuế được miễn, nguồn vốn cung cấp cho việc phát triển ngành hàng không, điều chỉnh tuân thủ các quy định thương mại hiện tại. Tuy nhiên cuối cùng, cả hai phía đều cáo buộc nhau không quan tâm tới những dàn xếp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!