Đồng Nai cảnh báo khan hiếm nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 18/09/2019 08:56 GMT+7

VTV.vn- Trước tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến khó lường, theo UBND tỉnh Đồng Nai, dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nguồn cung thịt lợn khó tránh khỏi tình trạng khan hiếm.

Sau một thời gian bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung tại vùng chăn nuôi Đông Nam Bộ đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Số lợn bị tiêu hủy và đang bị tiêu hủy tiếp tục tăng với diễn biến khó lường. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế người dân mà còn tác động không nhỏ tới giá cả thị trường, đặc biệt là những tháng cuối năm.

Sau 4 tháng bị dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai hiện còn 1,5 triệu con, giảm gần 50% trước lúc xảy ra dịch bệnh. Mặc dù tốc độ lan, phát sinh dịch bệnh hiện đã chậm lại nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Nai, dịp Tết Nguyên đán sắp tới nguồn cung thịt sẽ khó tránh khỏi tình trạng khan hiếm.

Nếu trước đây, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 25% tổng đàn thì nay chỉ còn 10%. Để nguồn cung thịt không bị ảnh hưởng, nhất là dịp Tết sắp tới, tỉnh Đồng Nai sẽ chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vì đây sẽ là nguồn cung chủ yếu cho thị trường bởi những doanh nghiệp này đang giữ đàn tốt, không bị dịch bệnh.

Theo dự báo, cuối năm 2019 và dịp Tết 2020, nước ta có thể thiếu 0,5 triệu tấn thịt lợn, khoảng 20% nhu cầu. Tập trung an toàn sinh học cho chăn nuôi vẫn là giải pháp tối ưu lúc này, vừa giúp giữ được đàn và cũng là cơ hội để tái đàn. Đồng thời, các giải pháp tìm nguồn hàng thay thế thịt lợn được các tỉnh, thành tính tới nhằm ổn định thị trường, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá vào cao điểm cuối năm.

Cuối năm, thiếu nửa triệu tấn thịt lợn Cuối năm, thiếu nửa triệu tấn thịt lợn

VTV.vn - Dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước