Ngày 11/4, tài xế đã đâm thẳng chiếc xe Lexus vào đám tang khiến 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương nặng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Lái xe được xác định vừa uống rượu, nồng độ cồn vượt quy định 0,315 mg/lít khí thở.
Ðêm 22/4, lái xe Hyundai gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Hà Nội, làm một nữ công nhân môi trường thiệt mạng tại chỗ. Lái xe có nồng độ cồn hơn 1 mg/lít khí thở.
Đêm 1/5, tại hầm Kim Liên, Hà Nội, một xe ô tô va chạm với một xe máy, 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn của lái xe là hơn 0,7 mg/lít khí thở.
Mới đây, ngày 30/9, 3 nạn nhân được phát hiện đã tử vong trên chiếc ô tô Mercedes dưới một con kênh tại tỉnh Tiền Giang. Rất có thể chiếc xe đã bị mất lái và lao xuống kênh. Tài xế mới lấy bằng và có uống rượu bia khi cầm lái.
Quá nhiều vụ tai nạn giao thông chết người liên quan tới việc lái xe sử dụng rượu bia đã xảy ra. Vào giữa năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó có quy định "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
Từ đầu tháng 12/2019, trong chương trình đào tạo lái xe sẽ có thêm nội dung phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông. Hy vọng những quy định mới này sẽ góp phần làm giảm số vụ tai nạn tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia trên cả nước. Và quan trọng nhất vẫn là mỗi tài xế đều có ý thức "đã lái xe thì không uống rượu bia".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!