Hôm qua (11/9), nước Mỹ tưởng niệm 18 năm vụ khủng bố kinh hoàng 11/9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Ngày 11/9 trở thành sự kiện nhắc nhở về sự tàn ác của chủ nghĩa khủng bố và sự cần thiết của một nỗ lực chung toàn cần nhằm đối phó mối đe dọa này.
Khu tưởng niệm 11/9 tại Mỹ những ngày này đông người ghé thăm hơn thường lệ. Ngoài khách du lịch còn có thân nhân của các nạn nhân đến đặt hoa cầu nguyện.
Gần 3.000 nạn nhân vụ khủng bố 11/9 được khắc tên tại đây đã yên nghỉ nhưng nỗi đau của những người ở lại vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai. Làm thế nào để giúp họ vượt qua nỗi đau này là vấn đề trăn trở không chỉ với nước Mỹ mà còn với tất cả các quốc gia đang đối mặt với chủ nghĩa khủng bố.
Bà Maureen có chồng bị chết trong vụ khủng bố 11/9. Lúc vụ việc xảy ra, bà là tiếp viên của hãng hàng không Canada, đang chờ nối chuyến tại Đức. Ngày hôm đó, bà đã không thể trở về nhà ở Toronto, nơi bà sống cùng chồng và 2 con vì các hãng hàng không bị tê liệt. 18 năm qua là quãng thời gian không hề dễ dàng với cuộc sống của bà và các con.
Bà Maureen - thân nhân vụ khủng bố 11/9 cho hay: "Đã 18 năm kể từ khi chồng tôi qua đời nhưng tôi vẫn đang sống với những hậu quả của khủng bố cũng giống như các nạn nhân khủng bố khác trên toàn thế giới. Chỉ mất một giây để phá vỡ cuộc sống của ai đó mãi mãi nhưng phải mất cả phần đời còn lại để xây dựng lại nó. Tất cả các nạn nhân của mọi hình thức khủng bố trên toàn cầu cần sự hỗ trợ của các bạn".
Câu chuyện của bà Maureen được chọn để giới thiệu tại triển lãm mang tên "Sống sót sau khủng bố: Sức mạnh của sự kiên cường" được tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc. Lãnh đạo Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân khủng bố.
Ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc - cho hay: "Những ký ức đau thương không thể bị xóa nhòa nhưng chúng ta có thể giúp đỡ các nạn nhân và những người sống sót bằng cách tìm kiếm sự thật, giúp nâng cao tiếng nói và giữ gìn phẩm giá của họ. Chúng ta phải làm nhiều hơn để hỗ trợ nạn nhân và những người sống sót sau khủng bố để họ có thể xây dựng lại cuộc sống và hàn gắn vết thương".
Chủ nghĩa khủng bố đang là một thách thức toàn cầu. Đối với các nạn nhân, khủng bố đã để lại những vết sẹo khó lành. Năm 2020, lần đầu tiên Liên hợp quốc sẽ tổ chức một đại hội của các nạn nhân khủng bố. Đây là cơ hội để lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân trên toàn cầu và tăng cường quyết tâm tập thể nhằm hàn gắn vết thương do khủng bố để lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!