Hôm nay (31/12) là ngày cuối cùng của năm 2024. Một năm đã qua với rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chúng ta có thể tự hào khẳng định: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong năm qua.
Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm 2024, trong đó có những dấu ấn đột phá, mang tính cách mạng và cũng rất đặc biệt.
1. TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN
13h38 ngày 19/7/2024, một trái tim lớn ngừng đập! 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng.
Phẩm chất và nhân cách của ông là của người Đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn, là hạt nhân quy tụ đoàn kết, thống nhất trí tuệ của toàn đảng, toàn dân và toàn quân.
Những công lao, cống hiến đặc biệt xuất sắc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân.
2. KIỆN TOÀN CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhậm chức, đánh dấu hoàn tất việc kiện toàn lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Ngày 13 tháng 8, chỉ 10 ngày sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, lần đầu tiên, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định một bước ngoặt quan trọng: "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam". Đây là lời hiệu triệu đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thành công mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.
3. CÁCH MẠNG TINH GỌN TỔ CHỨC BỘ MÁY
Ngày 25 tháng 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chỉ 1 tháng sau, ngày 30 tháng 12, 13 cơ quan Ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội đã chính thức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tinh gọn lại bộ máy. Một thời gian kỷ lục về tinh gọn, sắp xếp mang tính nêu gương để từ trung ương đến địa phương phải bảo đảm đúng tiến độ đề ra
4. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ƯỚC ĐẠT 7%
Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước ước đạt trên 7%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5% và vượt các dự báo. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục khoảng hơn 810 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới Thu ngân sách nhà nước dự kiến vượt thu khoảng 300.000 tỷ đồng. Lần đầu tiên, thu ngân sách Nhà nước đạt 2 triệu tỷ đồng. Thu hút FDI ước đạt gần 40 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.
5. YAGI - CƠN BÃO MẠNH NHẤT TRONG 70 NĂM, 345 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Siêu bão Yagi - bão số 3 - cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm, mạnh nhất 70 năm trên đất liền đã tàn phá 26 tỉnh, thành miền Bắc - từ ven biển đến miền núi. Mưa sau bão gây ngập lụt trên các lưu vực sông dài hơn 500 km, từ dãy Hoàng Liên Sơn tới vùng đồng bằng và ven biển.
3,6 triệu người bị ảnh hưởng, 345 người thiệt mạng, thiệt hại 83.000 tỷ đồng, tương đương 0,86% tổng sản phẩm trong nước.
Không thể ngăn thiên tai nhưng phải thay đổi tư duy và hành động để chủ động ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại.
6. THÔNG QUA LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI), TÁI KHỞI ĐỘNG HAI SIÊU DỰ ÁN
Tháng 1 năm nay, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật để nguồn lực đất đai được quản lý, sử dụng hiệu quả.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư 67 tỷ USD - lớn nhất lịch sử và tái khởi động dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cũng tại kỳ họp này, đánh dấu thời điểm Quốc hội chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Quốc hội "dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm".
7. NGHỊ QUYẾT 57 - ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, CHUYỂN ĐỔI SỐ
Ngày 22 tháng 12, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với quyết tâm đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành con đường giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên chính chúng ta và thế giới. Bên cạnh đó chuyển đổi số được xác định là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới - "phương thức sản xuất số" sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước.
8. LẦN ĐẦU TIÊN XỬ LÝ KỶ LUẬT NGUYÊN LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT
Lần đầu tiên Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với nguyên lãnh đạo chủ chốt. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng bị kỷ luật như năm nay.
Nhiều địa phương cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng nhiều lãnh đạo tỉnh bị xử lý kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.
Đấu tranh phòng, chống lãng phí xác định có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thống nhất đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày".
9. XÁC LẬP NHỮNG KỶ LỤC MỚI
Nhiều kỷ lục được xác lập trong dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) đã hoàn thành chỉ sau 6 tháng thi công, thay vì 3-4 năm với nhiều thủ tục được rút ngắn.
Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt khánh thành - nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc lên hơn 2.021 km, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu 3000 km cao tốc năm 2025, thông toàn tuyến từ Cao Bằng tới Cà Mau.
Tập đoàn NVIDIA đã ký kết Thỏa thuận với Chính phủ xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) lớn thứ 3 trên thế giới. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đồng hành với chiến lược phát triển kinh tế xanh quốc gia, hướng tới sự phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang xu hướng " xanh, sạch và bền vững". Đây cũng là yếu tố giúp VinFast trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam, làm nên cột mốc doanh nghiệp Việt đã chủ động trong ngành công nghiệp ô tô.
10. VIỆT NAM NÂNG CẤP QUAN HỆ CHIÊN LƯỢC VỚI NHIỀU NƯỚC
Việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp đã đưa Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 trong 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trong năm, Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, Australia; đối tác toàn diện với Mông Cổ, đối tác chiến lược với Brazil. Các hoạt động đối ngoại góp phần không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam và huy động nguồn lực cho phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!