1.076 người được phân bổ giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

PV (theo Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam)-Thứ tư, ngày 24/02/2021 17:43 GMT+7

Quang cảnh Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

VTV.vn - Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu ứng cử ĐBQH là 1.076 người, đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu.

Thực hiện Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các văn bản hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng bầu cử quốc gia, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở trung ương, từ ngày 3/2 đến ngày 17/2 , Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tiến hành tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Từ kết quả Hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có Báo cáo về kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, trùng vào thời gian nghỉ Tết nguyên đán, nhiều địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện các công việc về bầu cử. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở trung ương và địa phương vẫn được diễn ra dân chủ, đúng luật, đúng thời gian theo quy định.

Tại nhiều hội nghị hiệp thương đã thể hiện không khí thực sự dân chủ trong việc đóng góp các ý kiến đối với bản dự kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực Hội đồng nhân dân; về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất và điều kiện tham gia của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

1.076 người được phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV

Về bầu cử ĐBQH, ngày 04/02/2021, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về cơ bản đã nhất trí với dự kiến cơ cấu, thành phần số lượng như tại Nghị quyết số 1193/NQ-UBTVQH14, ngày 23/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề như: giữ nguyên số lượng đại biểu khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên như số lượng đại biểu của khóa XIV nhằm bảo đảm và phát huy vai trò đại diện của Nhân dân trong Quốc hội, phù hợp với xu hướng ngày càng mở rộng về tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân; Đề nghị tăng thêm tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng so với dự kiến của UBTVQH để bảo đảm sự phù hợp giữa số lượng đảng viên và người ngoài Đảng; Đề nghị quan tâm lãnh đạo để bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV có ít nhất 35% trên tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội; Đề nghị quan tâm đến cơ cấu đại biểu Quốc hội đại diện cho khối doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, đây là những lĩnh vực quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển; Đề nghị tăng số lượng đại biểu dân tộc thiểu số có người được ứng cử đại biểu Quốc hội so với dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Ở địa phương, đến hết ngày 17/2/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khoá XV. Nhìn chung, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương diễn ra dân chủ, đúng luật. Đa số các địa phương nhất trí với dự kiến phân bổ của Ủy ban thường vụ Quốc hội về cơ cấu, thành phần, số lượng người của địa phương mình được giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá XV.

Theo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cả trung ương và địa phương) là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội khóa XIII là 2,20 lần; Quốc hội khóa XII là 2,23 lần). Một số nơi có tỷ lệ cao nhưng một số nơi tỷ lệ khá thấp.

Về số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH thuộc khối MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận, ở Trung ương có 29 người, ở địa phương là 41 người.

Như vậy, kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, khối Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương có 70 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. Trong đó có 11 người thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam, 2 người là cá nhân tiêu biểu và 57 người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận.

7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định

Về bầu cử đại biểu HĐND, từ ngày 3/2 đến ngày 17/2, Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương đã tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu HĐND.

Kết quả, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu (cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần).

Nhiều nơi có tỷ lệ cao, tuy nhiên một số nơi tỷ lệ này còn thấp. Cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử: Người ứng cử là phụ nữ: có 1.690 người, chiếm tỷ lệ 22,1 %; Người ứng cử là người dân tộc thiểu số: có 748 người, chiếm tỷ lệ 9,8%; Người ứng cử là người trẻ tuổi: Có 814 người, chiếm tỷ lệ 10,6%; Người ứng cử là người ngoài Đảng: có 555 người, chiếm tỷ lệ 7,2 %; dự kiến người tự ứng cử 20 người.

Từ thực tế triển khai, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tiếp tục điều chỉnh tăng thêm số lượng đại biểu khối MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở Trung ương là 30 đại biểu hoặc như khóa XIV là 31 đại biểu; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh cơ cấu kết hợp do địa phương giới thiệu như phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi... để phù hợp với đặc điểm, tình hình của một số địa phương; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích hoặc điều chỉnh cơ cấu kết hợp là đại biểu tái cử bởi nhiều địa phương kiến nghị số lượng đại biểu tái cử phân bổ xuống địa phương nhiều khiến địa phương khó bố trí, sắp xếp người giới thiệu ứng cử…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước