Tuần qua đã diễn ra phiên họp Chính phủ thường kỳ. Phiên họp này nhận được sự quan tâm lớn của báo giới bởi nó diễn ra trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng sau Tết giảm lần đầu tiên trong nhiều năm. Và phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau Tết Nguyên đán Ất Mùi cũng được đánh dấu bằng việc Chính phủ đã thông qua một nghị quyết quan trọng với những biện pháp quyết liệt, mục tiêu cao hơn về cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại phiên họp này, Chính phủ đã đưa ra 2 thông điệp quan trọng đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và đẩy mạnh cải cách để hoàn thiện thể chế.
Báo giới trong tuần qua cũng quan tâm nhiều tới chuyến thăm Việt Nam của Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair – người đang tư vấn chính sách cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Ngoại giao, đồng thời giúp Bộ Giao thông vận tải mời các nhà đầu tư lớn của nước ngoài tham gia vào các dự án quan trọng. Tham dự buổi hội thảo Vai trò mới của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế, ông Tony Blair đã có những phát biểu gây chú ý. Theo Cựu Thủ tướng Anh, Việt Nam cần quyết liệt cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Những ý kiến trái chiều của cả các nhà quản lý, của các chuyên gia và của người dân về những hành vi phản văn hóa và hủ tục xảy ra trong một số lễ hội đầu năm là vấn đề đáng chú ý trên báo chí tuần qua. Có thể nói, lễ hội năm nào cũng diễn ra và chúng ta cũng đều nghe đến chuyện chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, nạn đốt vàng mã, trộm cắp, "chặt chém", xả rác bừa bãi... nhưng chưa năm nào, lại gây bức xúc như năm nay bởi sự leo thang về mức độ nghiêm trọng.
Trước những vấn nạn diễn ra và những bức xúc của dư luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ VH-TT&DL phối hợp các Bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức hội thảo xem lễ hội nào không còn phù hợp, giá trị văn hóa không thiết thực, tiêu cực, lạc hậu, để dần dần loại bỏ. Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý văn hóa phải chấn chỉnh. Nhưng chấn chỉnh thế nào với gần 8.000 lễ hội trên khắp cả nước là một câu hỏi mà rất nhiều tờ báo đặt ra.
Một vấn đề gây chú ý của dư luận tuần vừa qua, đó là việc Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Chính phủ sửa đổi một Nghị định tịch trong đó có quy định tịch thu phương tiện nếu ngươi sai phạm không nộp phạt, trong đó mức xử phạt cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.
Một vấn đề đáng chú ý nữa đó là từ thứ 2 tuần tới, giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.508,85 đồng/kWh lên 1.622,05 đồng/kWh. Thông tin được đưa ra và thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi điện thì ai cũng phải dùng, hàng phút, hàng giờ, hàng ngày và mức tăng 7,5% là một mức tăng không hề nhỏ. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu tập đoàn này không bị lỗ (vì nếu không tăng giá, năm nay, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng).
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.