Bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa chăm sóc y tế

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 21/04/2022 11:24 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần có cơ chế bảo vệ người sử dụng dịch vụ y tế tránh bị lạm dụng, bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức.

Lấy người bệnh làm trung tâm trong khám chữa bệnh

Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa chăm sóc y tế - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về:

- Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.

- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

- Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.

- Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo chính sách dân tộc cũng như đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định.

Liên quan vấn đề giấy phép hành nghề (GPHN) khám chữa bệnh, Dự thảo Luật quy định 9 chức danh phải có giấy phép hành nghề, bổ sung 03 chức danh so với đề nghị xây dựng Luật. Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động, thuyết minh rõ lý do bổ sung, vai trò cũng như phạm vi hoạt động chuyên môn của ‟kỹ thuật y", "dinh dưỡng", "cấp cứu viên ngoại viện" trong hoạt động khám chữa bệnh; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám chữa bệnh cần được cấp GPHN.

Bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa chăm sóc y tế - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Đối với ‟y sỹ", việc dự thảo Luật quy định chỉ tiếp tục cấp GPHN cho chức danh "y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân" mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sỹ khác, một mặt, sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở, mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.

Dự thảo Luật giao Hội đồng Y khoa quốc gia (HĐYKQG) được cấp và thu hồi GPHN; thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực để cấp GPHN từ ngày 01/01/2028. Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng:

HĐYKQG là tổ chức mới nên cần bổ sung quy định tại dự thảo Luật về địa vị pháp lý, mối quan hệ của tổ chức này với các cơ quan quản lý cấp GPHN, quản lý nhà nước trong lĩnh vực KCB.

Chỉ nên giao HĐYKQG hoặc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp y tế (nếu đủ điều kiện) thực hiện việc tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KCB, còn thẩm quyền cấp và thu hồi GPHN cần giao cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Về thời hạn, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí quy định GPHN có thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định thời hạn của GPHN là không cần thiết, chỉ cần sửa đổi các quy định hiện hành về đào tạo liên tục để đảm bảo yêu cầu và nâng cao chất lượng KCB.

Riêng đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thời hạn GPHN đối với các chức danh này.

Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất rằng, dự án Luật KCB (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động, làm rõ các nội dung đã được nêu tại Báo cáo thẩm tra và gửi kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết.

Làm thế nào để thầy thuốc tập trung chuyên môn, không còn lo lắng về quản lý

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, dự án luật đã khắc phục những hạn chế về vấn đề giá dịch vụ khám chữa bệnh, đồng thời đề nghị rà soát các quy định để sửa đổi bổ sung.

Bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa chăm sóc y tế - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Vê các chức danh giấy phép hành nghề, cần rà soát chức danh nào khác để bao quát hơn. Ông Trần Quang Phương cũng cho rằng, y sĩ chỉ cấp trong thời gian trong quân đội nếu sau khi nghỉ không tiếp tục cấp giấy phép hành nghề thì trở thành lãng phí. Bên cạnh đó, việc lương y có bài thuốc gia truyền cấp giấy phép 5 năm liệu có phù hợp, sau 5 năm khẳng định chuyên môn như thế nào. Do đó, cần có đánh giá để cấp phép phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát các quy định về khám chữa bệnh trong thiên tai phù hợp với pháp luật liên quan như luật quốc phòng, luật phòng chống thiên tai…

Đánh giá về dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo luật đã có những thay đổi tích cực, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý, cập nhật tình hình thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự thảo luật đã đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, đồng thời đánh giá cao nỗ lực rất lớn của Chính phủ và trực tiếp cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế.

Về vấn đề khám chữa bệnh theo yêu cầu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần khuyến khích các trung tâm cao cấp, trình độ cao khi nhiều bệnh nhân mất rất nhiều tiền để ra nước ngoài do điều kiện trang thiết bị trong nước.

Bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa chăm sóc y tế - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Ngoài ra, cần thể chế hóa cụ thể hơn nữa về xã hội hóa; làm thế nào để các thầy thuốc tập trung chuyên môn, không còn lo lắng về quản lý tài chính, trong đó có hoạt động mua sắm vật tư trang thiết bị y tế.

"Cần bảo vệ người sử dụng dịch vụ y tế, tránh nguy cơ lạm dụng trong khám chữa bệnh. Bảo vệ người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong chăm sóc y tế" – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần minh bạch, giải trình trách nhiệm trong hoạt động khám chữa bệnh; có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh đảm bảo khoa học, khách quan. Tuân thủ khuyến cáo của WHO về đảm bảo hệ thống y tế, khám chữa bệnh, lấy người dân làm trung tâm. Loại trừ sai sót, lạm dụng dịch vụ khám chữa bệnh, làm tổn thương thêm cho bệnh nhân trong chăm sóc y tế.

Cần quy định rõ về việc chuyển tuyến, kết nối giữa các tuyến, tránh chuyển tuyến không cần thiết. Làm rõ mối quan hệ y tế với các lực lượng vũ trang; vai trò y tế cơ sở, y tế cơ sở tư nhân; giá dịch vụ khám chữa bệnh…

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật khi đã tiếp thu nhiều ý kiến, cập nhật nhiều vấn đề phát sinh; hồ sơ đủ điều kiện để Quốc hội xem xét ở kỳ họp thứ 3 vào tháng 5.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để bổ sung vào luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, đối tượng tác động về kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép hành nghề, có định hướng nâng cao bồi dưỡng với nguồn nhân lực y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể cơ cấu các tuyến, lộ trình phân tuyến; quy định về giá, quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước