Chốt kiểm tra phương tiện giao thông tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Nới giãn cách đến mức nào thì cũng phải an toàn trên hết
Chiều 11/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh mở rộng để cho ý kiến về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP sau ngày 15/9.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thảo luận và cho ý kiến về chủ trương rất quan trọng đối với những chiến lược, kế hoạch và lộ trình cụ thể cho rất nhiều nội dung trụ cột trong kế hoạch phòng chống dịch và từng bước phục hồi kinh tế trên địa bàn TP.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên (Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh)
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có 103 ngày với những bước, những mục tiêu, những giải pháp cấp độ khác nhau, ngày càng nâng lên, ngày càng tăng cường, siết chặt. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới trong phòng chống dịch trong thời gian qua, chủng Delta hết sức phức tạp, nguy hiểm. Có thể nói, khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định trên một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như TP Hồ Chí Minh.
Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Ông cho rằng, quan điểm này mới so với trước đây. TP Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Trung ương để xin ý kiến. Đây là cách nhìn nhận của TP qua thực tiễn và đưa ra quan điểm như thế.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn. Có nghĩa là TP Hồ Chí Minh đã quét truy tìm F0 nhiều lần trong hơn 100 ngày qua. Hơn 2 tuần qua, TP Hồ Chí Minh đã tập trung, tăng cường lực lượng rất mạnh. TP hy vọng sẽ quét, phát hiện đến F0 cuối cùng trên địa bàn TP. Đó là mong muốn, nhưng rất khó trong một thời gian nhất định, và dù khó cũng phải làm.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, phương châm chung của TP, an toàn là trên hết. Nếu có nới giãn cách, hay có mở đến mức nào đi nữa thì cũng phải đặt mục tiêu an toàn trên hết. An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn, TP Hồ Chí Minh đặt vai trò của người dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của người dân là chiến sĩ, là chủ thể quyết định thành bại trong cuộc chiến này.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên lưu ý, luôn luôn nhớ rằng vai trò của TP Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. TP Hồ Chí Minh không thể làm tách rời mà phải làm có sự phối kết hợp, hết sức chặt chẽ. Tuyệt đối không chủ quan, không nôn nóng, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn. Trước hết, TP phải chọn địa phương làm thí điểm, bởi mỗi quận huyện cũng khá lớn để cho những thông số, những cách làm, biện pháp giải pháp, qua đó, giúp TP Hồ Chí Minh rút kinh nghiệm.
Chính sách không ban hành một cách vội vã, mà phải chuẩn mực
Về các chiến lược đã xây dựng cho thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, đầu tiên là chiến lược về y tế, từ y tế dự phòng, y tế cơ sở đến trung tâm y tế cấp quận, cấp TP phải hệ thống trở lại… Trong chiến lược này, ngoài củng cố hệ thống y tế nhà nước, tính luôn các hệ thống bên ngoài bằng cơ chế, chính sách để thu hút, quy tụ và hình dung ra rằng lực lượng y tế không chỉ tây y mà còn đông y, y học dân tộc…. Cần huy động, phát huy các nguồn lực bằng cơ chế chính sách. Những việc nào thuộc thẩm quyền của TP thì tham mưu TP, vấn đề nào vượt thẩm quyền, xin ý kiến Trung ương.
Cùng với chiến lược về kinh tế, Bí thư Thành ủy cũng đề cập đến chiến lược giáo dục đào tạo. Khi học trực tuyến không chỉ bất tiện, mà từ bất tiện đó, trong nguy có cơ. Cần tạo môi trường thuận lợi, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào giáo dục – đào tạo bằng nhiều loại hình. Đừng để trường hợp nào bị bỏ rơi, đừng để trường hợp nào không được đến trường. Chiến lược xa hơn nữa, cần tận dụng môi trường này phát huy trí tuệ của học sinh.
Nhấn mạnh về chiến lược truyền thông, ông Nguyễn Văn Nên lưu ý, trong phòng chống dịch, quan điểm, chiến lược, ý định, sách lược, tất cả là những điều người dân phải biết. Cần có thông tin chính thống, nếu không người dân sẽ nghe các thông tin bị nhiễu. Truyền thông cần chuẩn bị một chiến lược đúng tầm.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị làm thêm 2 chiến lược. Đó là Chiến lược công tác dân vận trong tình hình mới và Chiến lược tăng cường xây dựng củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chốt bảo vệ “vùng xanh” tại TP Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Văn Nên gửi gắm các ông tham gia xây dựng các chiến lược cần nỗ lực thực hiện, trao đổi với bộ, ngành cấp trên để xây dựng chiến lược. Tất cả các chiến lược đi theo hướng đã thống nhất, có đánh giá độ an toàn, độ mở, nhằm thu hẹp "vùng đỏ", "vùng đỏ" chuyển sang "vùng cam", "vùng cam" xuống "vùng vàng", "vùng vàng" xuống "vùng xanh". Mở rộng vùng xanh rộng hơn nữa, cần rút kinh nghiệm từ những nơi làm trước để có những bài học. "Đích của chúng ta là hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh, tăng vaccine để thực hiện miễn dịch cộng đồng" – Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy, từng chiến lược, chú ý tính khả thi, lộ trình, đặc biệt quan tâm gắn chiến lược này với chiến lược khác, nhất là y tế với công nghệ. Phải liên kết các chiến lược với nhau để có tính khả thi cao, phục vụ cho cuộc sống bình thường mới. Thông điệp chung là làm sao cho người dân có thông tin sớm nhất về sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành và các định hướng của TP.
"Chúng ta đang ở trong chặng đường khó khăn, phải cố gắng tập trung hết sức để vượt qua. Dù có khó khăn phải tập trung cùng nhau vượt qua. Mình động viên mình là động viên toàn hệ thống cấp dưới – vì mình là lãnh đạo. Khi hệ thống chính trị vượt qua thì nhân dân vượt qua, vì mình là người chèo, người cầm lái. Do đó, đề nghị các ông cố gắng hết sức, động viên nhau, toàn hệ thống cố gắng vượt qua khó khăn và tự tin rằng, nếu bài bản như vậy, thì sẽ thành công." – Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, khi TP đưa ra bất cứ chính sách nào, không ban hành một cách vội vã, mà phải chuẩn mực. Các cơ quan liên quan cần tập trung nghiên cứu, giúp UBND TP, giúp cơ quan thực hiện, có một sự thống nhất, đồng bộ và phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chuẩn bị chiến lược, có bước đi, có chặng đường cụ thể.
TP Hồ Chí Minh mở cửa theo 3 giai đoạn từ sau 15/9
Dự kiến, sau ngày 15/9/2021, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra quy tắc chống dịch để khôi phục sản xuất an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó trong 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ ngày 16/9 đến 31/9, người đã tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 có thể tham gia các hoạt động lưu thông, sản xuất, ngoại trừ các hoạt động karaoke, vũ trường, kinh doanh trung tâm thương mại, thể dục thể thao.
Khoảng thời gian từ 15/9 đến 31/10/2021, toàn thành phố sẽ có khoảng 80% người trên 18 tuổi tiêm vaccine mũi 1, thành phố sẽ mở dần giãn cách từ các quận huyện vùng xanh như quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Cũng trong thời gian này, thành phố xem xét mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức để đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân, bởi thực tế năng lực của các hệ thống siêu thị trong thành phố chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Giai đoạn 2 từ 31/10/2021 đến 15/1/2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở lại các hoạt động cho người có thẻ xanh COVID-19 là trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống.
Trong hai giai đoạn này, người có thẻ vàng hạn chế hơn trong việc đi lại làm việc sản xuất như thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến", làm việc "3 tại chỗ."
Giai đoạn 3 kể từ ngày 15/1/2022 trở đi, mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh tụ tập đông người bắt buộc phải có thẻ xanh COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!