Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Nguyễn Hồng/BNG
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/5, phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao cung cấp thêm thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cũng như đánh giá của Việt Nam về kết quả phiên điều trần và kỳ vọng gì đối với Hoa Kỳ trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường".
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, cho tới nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.
Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Trước đó, vào ngày 19/9/2023, tại Thủ đô Washington D.C. (Hoa Kỳ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hai nước xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện và cho biết sẽ thúc đẩy để Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, phối hợp triển khai các nội dung đã thống nhất trong Tuyên bố chung, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại và đầu tư…, tiếp tục đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!