Bộ Nội vụ thông tin chính thức về vấn đề sáp nhập tỉnh

PV-Thứ hai, ngày 19/07/2021 11:41 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo

VTV.vn - Bộ Nội vụ cho biết, việc sáp nhập tỉnh là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, cần lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ban, ngành và người dân.

Ngày 19/7, trước những thông tin về vấn đề sáp nhập tỉnh đang được dư luận quan tâm, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và tổng kết việc thực hiện tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm chuẩn bị tài liệu phục vụ kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo.

Theo thông báo, Bộ Nội vụ chưa đề nghị lên Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào.

Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 1211/2016 và tổng kết thực tiễn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần phải lấy ý kiến rộng rãi, qua nhiều vòng.

Đây là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện nhằm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi một số điều quy định về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.

Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung này mới chỉ là bước đầu, còn một số nội dung tiếp tục phải thực hiện ngoài 2 tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn một số vấn đề như vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thống và lối sống của cộng đồng dân cư, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư.

Do đó, vấn đề này rất cần phải lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cũng như ý kiến của người dân để tổng hợp đầy đủ thông tin làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Bộ Nội vụ thông tin chính thức về vấn đề sáp nhập tỉnh - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo

Trên cơ sở tiêu chuẩn của đơn vị hành chính được Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XV thông qua, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất đẩy mạnh việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2026 kết hợp với tiếp tục sắp xếp thôn, tổ dân phố theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc "tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu triển khai thực hiện ở cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp"; Nghị quyết số 18-NQ/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 50/2021 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Nội vụ có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, chuẩn bị xây dựng đề án thực hiện thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo đúng đường lối chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, việc đề xuất thí điểm mới chỉ ở bước đầu của việc nghiên cứu, xem xét, hoàn thiện, bổ sung cơ sở pháp lý nhất là sửa đổi Nghị quyết 1211/2016 vì đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, cần được chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, công phu và phải đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi.

Việc này cũng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia (hiện nay quy hoạch này chưa được cấp có thẩm quyền ban hành) và điều kiện thực tiễn của từng địa phương bảo đảm phù hợp với diện tích tự nhiên, quy mô dân số, vị trí địa chính trị, lịch sử, văn hóa, truyền thông và lối sống của cộng đồng dân cử, yếu tố về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quy hoạch vùng và quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, lối sống cộng đồng dân cư... trên tinh thần phải bảo đảm mục tiêu ổn định và phát triển.

Vì vậy cần phải có đủ thời gian để khảo sát, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện đề án rất toàn diện, kỹ lưỡng, thận trọng, cụ thể và hợp lý. Vì thế đến nay chưa có danh sách cụ thể các địa phương thuộc diện xem xét bị sáp nhập như dư luận lo lắng.

Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

Theo dự thảo về đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được xây dựng, đối với tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập: có quy mô dân số từ 900.000 người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên.

Đối với những tỉnh không phải miền núi: có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê, 10 tỉnh dân số ít nhất là: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang.

Về diện tích tự nhiên, 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước là: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước