Cập nhập danh mục thuốc của Việt Nam mất nhiều thời gian hơn thế giới
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ý kiến trong 2 ngày thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Góp ý với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung tình hình giải quyết việc cung ứng thuốc vật tư y tế, cập nhật danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Đại biểu cho biết việc cập nhập danh mục thuốc của nước ta mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới, thường mất từ 2-4 năm để cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ngoài ra, còn tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc, đại biểu đặt ra trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Đại biểu Lan cũng đề nghị làm rõ chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm, cùng với đó là nguy cơ thiếu vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng; đề nghị làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Đại biểu Xuân đề nghị cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán bảo hiểm y tế.
"Rối" trong mua bán vật tư tiêu y tế
Phát biểu tranh luận về vấn đề cung ứng thuốc, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài và cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, trong khi đấy việc mua bán vật tư y tế lại vô cùng "rối".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)
"Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này. Rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau… Bệnh viên Đại học Y khó khăn nhất là không thể mua hàng chất lượng tốt, kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu" – bác sĩ Hiếu cho biết.
Chính vì vậy, đại biểu tỉnh Bình Định cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm. Chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.
Ngoài ra, ông Nguyễn Lân Hiếu cho rằng việc cấp phép nhập khẩu dụng cụ mới bị ‘bế tắc’. Bản thân ông cũng phải đưa bệnh nhân sang nước ngoài chữa trị vì không có dụng cụ nhập khẩu vào Việt Nam.
Đại biểu đề nghị giao trách nhiệm chính cho những người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao bệnh viện quyền và trách nhiệm của mình trước bệnh nhân và pháp luật.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc, vật tư y tế
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội trong 2 ngày qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành y tế với khối lượng công việc tồn đọng. Sau gần 3 năm tập trung chống dịch, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng ở nhiều cơ sở y tế; cán bộ, nhân viên y tế từ Trung ương xuống địa phương, nhiều người vi phạm pháp luật, làn sóng xin nghỉ việc chuyển ra khỏi khu vực y tế công; cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện…
Về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu thuốc, thiết bị vật y tế là một thách thức dai dẳng. Đây không phải là hiện tượng mới, xảy ra ở nhiều nước, đặc biệt nghiêm trọng hơn trong và sau đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngay ở các quốc gia phát triển có hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại như các quốc gia châu Âu hay Hoa Kỳ…
Trưởng ngành y tế cho biết, việc này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung nguyên liệu hoạt chất trên thế giới khan hiếm, giá cả biến động trên quy mô toàn cầu…
Tại Việt Nam, việc tổ chức đấu thầu được thực hiện ở 3 cấp: trung ương, địa phương và các cơ sở y tế. Bộ trưởng Lan chỉ ra thêm nguyên nhân chủ quan do hệ thống văn bản còn bất cập, việc tổ chức thực hiện mua sắm đấu thầu còn vướng mắc, công tác phối hợp chưa hiệu quả, đặc biệt có tâm lý e ngại, sợ sai ở một số cá nhân, đơn vị.
Bộ Y tế đã trình nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn liên quan mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế như trình, ban hành các văn bản để tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ nhiều vướng mắc, đảm bảo nguồn cung mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tập trung tiến độ cấp, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc và thiết bị y tế. Tổng số thuốc đăng ký lưu hành, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực là trên 22.000 thuốc và trên 100.000 chủng loại trang thiết bị đã tạo điều kiện cho thị trường đảm bảo cung ứng cho các cơ sở y tế.
Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tìm nguồn cung, đặc biệt là thuốc hiếm, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện phân cấp toàn diện việc phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm cho các cơ sở y tế trực thuộc bộ.
Theo Bộ trưởng Lan, đến nay, việc thực hiện các giải pháp đã đạt kết quả tích cực bước đầu. Mặc dù vậy, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở một số địa phương, 38,59% đơn vị báo cáo thiếu cục bộ. Với các bệnh hiếm gặp, Bộ đã trình các cơ chế tài chính ngân sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!