Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 bài học sâu sắc trong chống dịch COVID-19

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 09/11/2021 19:09 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác phòng chống dịch và phát triển KT-XH đã cho nhiều bài học quý báu cùng những khiếm khuyết cần phải điều chỉnh.

Bài học về năng lực hệ thống y tế và quản lý nhà nước trong đại dịch

Trong phiên thảo luận chiều 9/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu đã nêu.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, đợt bùng phát dịch COVID-19 ở nhiều địa phương đã xâm nhập vào các trung tâm kinh tế đô thị lớn khu công nghiệp khu chế xuất với diễn biến rất phức tạp. Biến thể delta đã có tốc độ lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Nước ta đã áp dụng biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Do đó, đời sống nhân dân, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng phát triển kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng, sức chống chịu của người dân, những người có thu nhập thấp đã giảm mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 bài học sâu sắc trong chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong số 12 chỉ tiêu Quốc hội giao có 8 chỉ tiêu đạt và 4 chỉ tiêu không đạt, trong đó có tốc độ tăng trưởng GDP đã phản ánh sát với tình hình thực tế của kinh tế - xã hội năm 2021.

Trưởng ngành kế hoạch - đầu tư nhấn mạnh, trong bối cảnh hết sức khó khăn, việc đạt được những kết quả như vừa qua, trước hết nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp cơ quan Trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an; tinh thần đoàn kết, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Đến nay, tình hình phòng chống dịch đã có những chuyển biến tích cực. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là quyết định đúng đắn, kịp thời, quan trọng, phù hợp thực tiễn, tạo nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế nhanh trong những năm cuối 2021, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội vừa qua đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu và những điểm khiếm khuyết cần phải điều chỉnh kịp thời cho một tương lai bảo đảm phát triển an toàn hơn và bền vững hơn.

Ông Nguyễn Chí Dũng nêu ra 3 bài học sâu sắc như sau:

Bài học đầu tiên là năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng của chúng ta đang còn thiếu và yếu. Điều này dẫn tới lúng túng trước những diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, hoạt động kinh tế, việc làm, đời sống nhân dân.

Bài học thứ hai, năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến lúng túng, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, cục bộ địa phương làm đứt gãy quá trình lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Bài học thứ ba, sức mạnh, vai trò của hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần phải có sự kết hợp và hỗ trợ của Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.

Tình hình KT-XH có nhiều nhiều điểm sáng sau Nghị quyết 128

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết như sau:

Về đánh giá tác động của Nghị quyết 128/NQ-CP, sau gần 1 tháng triển khai thực hiện nghị quyết này thì tình hình kinh tế - xã hội của tháng 10 đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, như trong báo cáo đã nêu, với nhiều điểm sáng và nhất là đã củng cố được niềm tin của người dân, doanh nghiệp, của nhà đầu tư về xu hướng, khả năng phục hồi của nền kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, di chuyển của người dân, người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021, vấn đề chậm giao kế hoạch vốn. Theo quy định của Luật Đầu tư công và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ kế hoạch ngân sách trung ương 2021, Chính phủ đã triển khai giao kế hoạch đầu tư công năm 2021 một lần trước ngày 31/12/2020, tức là ngay cuối năm 2020 đã giao đầy đủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 3 bài học sâu sắc trong chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu

Theo đó, các bộ, các ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn của các chương trình, dự án cụ thể và việc chậm phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công tập trung ở 2 nội dung chính. Về việc giao kế hoạch vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đang chỉ đạo trong tháng 11, tháng 12 này phải hoàn thành toàn bộ các thủ tục để có thể giao được vốn và thực hiện được ngay vào đầu năm 2022. Còn một phần vốn chưa thể bổ sung cho các dự án khởi công mới của năm 2021, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư theo thẩm quyền, bảo đảm đủ căn cứ để giao kế hoạch chi tiết theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với phần vốn chưa phân bổ, Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các thủ tục đầy đủ và sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi phân bổ theo quy định của Nghị quyết 29/2021/QH15 của Quốc hội.

Đối với việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Chính phủ đã nêu rõ các nguyên nhân chậm giải ngân. Bên cạnh các nguyên nhân đã tồn tại từ lâu như: việc chuẩn bị dự án chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng, thời gian điều chỉnh dự án, điều chỉnh năng lực của Ban Quản lý, năng lực nhà thầu, v.v.. Riêng năm 2021 còn có một số lý do đặc thù như: là năm đầu chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn 2021-2025; năm đầu thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019, do vậy chúng ta đang tập trung vào các dự án chuyển tiếp và đang chuẩn bị đầu tư vào các dự án năm 2022; do tác động của COVID-19 giãn cách xã hội và dẫn đến ảnh hưởng cho tiến độ; giá cả nguyên vật liệu tăng rất cao.

Liên quan đến hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi các luật đầu tư công cơ bản đã hoàn chỉnh, Chính phủ đang hoàn thiện dự án luật để sửa đổi 10 Luật, trong đó sẽ giải quyết tiếp tất cả những vấn đề đang còn vướng mắc trong Luật Đầu tư công để đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ.

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, ngoài những vấn đề nêu trên, các vấn đề về giải phóng mặt bằng và nhiều nội dung mà các đại biểu Quốc hội góp ý, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, báo cáo với Chính phủ để tiếp tục chỉ đạo, điều hành.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước