Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV.
Chiều 15/4, Bộ Ngoại giao đã chủ trì họp báo công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Dự kiến, Việt Nam sẽ tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng nhân quyền vào ngày 7/5.
Điểm nổi bật trong báo cáo là tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị, thực hiện một phần 30 khuyến nghị và 2 khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền con người. Kể từ năm 2019, GDP đầu người tăng 25%, tỉ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng lên 92% năm 2022, 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có công nghệ viễn thông hiện đại, mức phổ cập Internet cao. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 78 triệu người sử dụng Internet (xếp thứ 13 thế giới về số lượng người dùng, tăng 21% so với năm 2019), số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu (tăng 38% so với năm 2019). Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam, thường xuyên tích cực tham gia đóng góp vào việc xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Kể từ lần rà soát trước, Việt Nam gia nhập thêm Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (năm 2019) và Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020) và tham gia Thỏa thuận Toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM – năm 2020).
Việt Nam tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới với những sáng kiến, hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam đạt được những thành tựu tích cực trong bảo đảm các quyền con người trên thực tế. Các phương tiện truyền thông ở Việt Nam được hoạt động tự do. Báo chí phát triển không ngừng, trở thành diễn đàn ngôn luận của nhân dân, của các tổ chức xã hội, là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nêu rõ, quá trình xây dựng Báo cáo được thực hiện một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân. Các ý kiến đóng góp trực tiếp tại các hội thảo tham vấn do Bộ Ngoại giao hoặc một số bộ ngành tổ chức, hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Ngoại giao đều được nghiên cứu, tiếp thu phù hợp.
Ông Đỗ Hùng Việt khẳng định tiến trình UPR ở Việt Nam diễn ra đúng với nguyên tắc minh bạch, xây dựng, bình đẳng, đối thoại và hợp tác và mong muốn, các nước nghiên cứu, xem xét kỹ Báo cáo này và chuẩn bị tham gia Phiên đối thoại sắp tới của Việt Nam trên cơ sở các nguyên tắc của UPR, đưa ra các khuyến nghị xây dựng mà Việt Nam có thể tiếp thu, chấp thuận và triển khai hiệu quả.
Trước câu hỏi của phóng viên về bình luận của lãnh đạo Bộ Ngoại giao đối với báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Một nguyên tắc cũng mang tính nền tảng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới là tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Ông Đỗ Hùng Việt kiên quyết bác bỏ những ý kiến, đề xuất, kiến nghị vi phạm những nguyên tắc này và nhiều nội dung trong các báo cáo của các cơ quan.
"Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo tham vấn, lấy ý kiến, nhưng các tổ chức không tham gia vào tiến trình đó, thậm chí không có mặt ở Việt Nam nhưng lại gửi rất nhiều những thông tin đánh giá sai lệch về tình hình Việt Nam...Các báo cáo nộp lên Liên hợp quốc không được tiến hành một cách công khai minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như cách mà Việt Nam tiến hành. Trong khi chúng tôi minh bạch, công khai, bảo đảm tính bao trùm với sự tham gia của tất cả các bên, thì các báo cáo khác không được tiến hành theo cách như vậy" - Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về nội dung báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nêu rõ:
"Chúng tôi rất thất vọng trước việc mặc dù có sự hiện diện đầy đủ tại Việt Nam và quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện với các ban, bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nhưng báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4 có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng, cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người".
Theo Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ 4 của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện và có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, báo cáo riêng của các cơ quan Liên hợp quốc đã không được xây dựng một cách minh bạch, tương xứng với những thiện chí hợp tác và quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam; hoàn toàn không thể hiện đúng tinh thần và thực tiễn hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, các ưu tiên hợp tác mà Việt Nam và các cơ quan phát triển Liên hợp quốc đã nhất trí.
"Chúng tôi cho rằng, trong tương lai các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cần được triển khai phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan, cũng như các nhu cầu ưu tiên của Việt Nam", ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!