Cách mạng tháng 8 và vấn đề dân cày

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 19/08/2022 20:52 GMT+7

VTV.vn - Nhiều điều thần kỳ vẫn đang được người nông dân làm ra trên thửa ruộng của mình, thành tựu bắt nguồn từ mục tiêu người cày có ruộng sau thành công của Cách mạng Tháng 8.

Nhà Bá Kiến, ngôi nhà từng to và đẹp nhất làng Đại Hoàng là nguyên mẫu về không gian làng quê trước Cách mạng Tháng 8 trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Cảnh cũ người xưa đã đổi thay nhưng số phận, những cuộc đời có thật vẫn được cất giữ trong ký ức của người dân trong làng.

Ông Trần Văn Đô, người dân xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam cho biết: "Chứng tích ghi lại thời phong kiến từng làm mưa làm gió trên đất Đại Hoàng và bao nhiêu người đã khổ vì ngôi nhà này, khổ vì ông chủ này. Những người chung quanh đây hầu hết cũng bị mất đất vào tay ông. Nhưng khi có Đảng, nhân dân theo Đảng làm cách mạng thì làng quê Đại Hoàng mới được đổi mới như ngày nay".

Cách mạng tháng 8 và vấn đề dân cày - Ảnh 1.

Theo GS.TS.NGND Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam: "Cách mạng Tháng 8 thành công là nhờ khẩu hiệu "Độc lập dân tộc" và "Người cày có ruộng", hai cái điểm khát khao nhất của người nông dân. Bây giờ chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 chúng ta không tưởng tượng được, vừa qua một trận đói, người nông dân rất nghèo khổ, bỗng dưng một ngày họ được thay đổi toàn bộ số phận của họ thì rõ ràng ở thời buổi bấy giờ là cực kỳ quan trọng".

Ngay từ năm 1930, trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của mình, Đảng đã xác định đem lại ruộng đất cùng những lợi ích thiết thực cho nông dân. Nhiều chủ trương sau này được được ban hành đều nhất quán hướng tới mục tiêu này.

Mới nhất là các Nghị quyết về đổi mới chính sách về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể đều lấy người nông dân làm trung tâm. Ở cấp địa phương nhiều chính sách với vai trò là "bà đỡ" cho nông dân cũng đã được ban hành.

Cách mạng tháng 8 và vấn đề dân cày - Ảnh 2.

Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: "Chúng tôi thuê các đơn vị tư vấn, thuê các nhà khoa học đánh giá thổ nhưỡng của từng vùng đất một. Từ đó, hỗ trợ người dân từ con giống, cây trồng thích hợp và cái quy trình sản xuất như thế nào cho hiệu quả. Người dân sản xuất theo đúng khuyến cáo qua đó sẽ tăng năng suất lao động và đảm bảo được cái chất lượng. Chỉ có nhà nước mới có thể hỗ trợ cho người dân, còn bản thân người dân không thể".

"Nông dân quan tâm nhất là gì? Là đất đai. Cho nên chính sách đất đai là một chính sách mang tính cốt lõi nhất trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong Nghị quyết nói rõ, phát triển kinh tế nông nghiệp như thế nào? Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, trong đó có vấn đề đất đai. Điều đó là một tiến bộ rất lớn vì quyết định đến sinh kế của họ", GS.TS.NGND Trần Đức Viên nhấn mạnh.

Trở lại với câu chuyện của làng Đại Hoàng, người nông dân đã giàu lên từ đồng đất. Chương trình Nông thôn mới đã khoác cho làng sức sống mới ở vùng chiêm trũng. Nghề canh cửi truyền thống được phát triển lên bởi những doanh nghiệp dệt quy mô lớn. Đại Hoàng, một trong số rất nhiều ngôi làng trong cả nước đang trên chặng đường xây dựng "nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước