Cần có thêm quy định ngăn chặn lộ, lọt dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân

Ngọc Thành, Trần Nam-Thứ sáu, ngày 08/11/2024 21:22 GMT+7

VTV.vn - Sáng 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dữ liệu.

Thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có thêm các quy định để ngăn chặn lộ, lọt dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân.

Ông Đào Chí Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cho biết : "Qua tiếp xúc cử tri, cử tri rất quan tâm đến tình hình dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, khai thác, mua bán trái phép nhưng chưa được kiểm soát. Hệ thống thông tin còn có lỗ hổng bảo mật, việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn khó khăn. Do vậy tôi đề nghị dự thảo luật cần khắc phục các vấn đề trên".

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến: "Khoản 3 Điều 10 quy định việc bảo vệ dữ liệu cá nhân tuân thủ theo quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do đó tôi đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất để trình Quốc hội dự án Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc Luật về bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm cả dữ liệu cá nhân. Việc ban hành luật này nhằm thể chế hóa quy định tại điều 21 của Hiến pháp 201, cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các quyền con người trong các quy ước quốc tế có liên quan".

Một số đại biểu cũng đồng tình với các quy định đối với việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài trong dự thảo Luật nhằm tránh bị lợi dụng, gây ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh, lợi ích của đất nước.

Ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp kiến nghị: "Việc chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, tôi đồng tình. Tuy nhiên cần thận trọng, việc bảo vệ bí mật dữ liệu không để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc nói xấu bằng nhiều hình thức khác nhau. Bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia, nhưng cũng đảm bảo hài hòa thông lệ quốc tế không cản trở dữ liệu an toàn tự do biên giới".

Bà Huỳnh Thị Phúc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị: "Hoạt động chuyển dữ liệu, nhất là các dữ liệu bí mật quan trọng của quốc gia, tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó có tác động đến quốc phòng, an ninh và những nội dung quan trọng khác của quốc gia. Quy định các nội dung trong việc hạn chế việc chuyển dữ liệu và kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu nêu trên ra nước ngoài chính là thắt chặt việc dữ liệu cá nhân, dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin cho tổ chức, cá nhân và đảm bảo tài nguyên dữ liệu của quốc gia".

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc việc thành lập quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia trong dự thảo Luật. Lý do bởi hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước và nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế.

Trước đó, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Theo đó, hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước