Chiều nay (17/9), cho ý kiến vào dự thảo luật báo chí (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận về điểm mới của dự thảo luật, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ nguyên tắc về tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này để phù hợp theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
Điều 25 Hiến pháp quy định "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí". Trong khi đó, dự thảo Luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Ông Nguyễn Đức Hiền đặt vấn đề quyền tự do báo chí của công dân được thể hiện cụ thể như thế nào?
Cho rằng quy định về đạo đức nhà báo chưa được làm rõ trong dự luật, Bà Trương Thị Mai đề nghị cùng với việc đề cao trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí cũng cần phải tăng cường vai trò trách nhiệm của Hội nhà báo trong quản lý hội viên hội nhà báo thực hiện các qui định về đạo đức nghề nghiệp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút, vì vậy đòi hỏi Luật Báo chí phải có các quy định quản lý phù hợp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.