Chánh án TAND Tối cao: Không bao che thẩm phán vi phạm, xử lý "không có vùng cấm"

Thùy An-Thứ hai, ngày 20/03/2023 12:20 GMT+7

VTV.vn - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm với những vi phạm của cán bộ ngành tòa án.

Không bao che

Sáng nay (20/3), tham gia chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu rõ, theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành tòa án đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực.

Thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành tòa án xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành tòa án còn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Ví dụ, những năm gần đây, ngành tòa án chỉ tuyển dụng công chức từ nguồn chính là sinh viên tốt nghiệp Học viện Tòa án.

Từ những nội dung trên, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành tòa án trong thời gian tới?

Trả lời nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ năm 2021 số lượng cán bộ tòa án bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự là hơn 100 vụ. Ông Bình nhấn mạnh quan điểm của ngành Tòa án là tất cả vi phạm đều bị xử lý nghiêm, không có vùng cấm.

"Điều này cũng chính là quan điểm của Đảng, chúng tôi không bao che", ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao: Không bao che thẩm phán vi phạm, xử lý không có vùng cấm - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về giải pháp phòng ngừa vấn đề tham nhũng trong hoạt động xét xử, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hoạt động thanh, kiểm tra được diễn ra thường xuyên. Thứ hai là, tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức công vụ, trách nhiệm của thẩm phán.

"Chúng tôi đã ban hành bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, bộ quy tắc này đã được giảng dạy trong trường đại học của hệ thống tòa án. Những trường hợp vi phạm chúng tôi phát hiện được thì chủ động chuyển cho cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có bao che", ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, Chánh án TAND tối cao cũng đã ban hành Quy định số 120 về xử lý những vi phạm của các thẩm phán.  Ví dụ, nghị quyết Quốc hội cho phép được sửa 1,5% các vụ án, nhưng quy định 120 chỉ cho thẩm phán được sửa án không quá 1,16%. Thẩm phán nào sửa quá 1,16% sẽ không được tái bổ nhiệm, không có thi đua.

Mỗi thẩm phán phải xử 5 - 6 vụ/tháng

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn tỉnh Bình Thuận) chất vấn Chánh án TAND tối cao giải pháp nào nâng cao chất lượng xét xử.

"Hiện nay, các thẩm phán có nhiều áp lực trong quá trình thực thi công vụ, kể cả mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, trong khi đó chế độ đãi ngộ, bảo vệ chưa tương xứng. Chánh án TAND tối cao có giải pháp nào cho vấn đề này?", ông Thông nêu câu hỏi.

Trả lời nội dung này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tế biên chế ngành tòa án chỉ có 15.300 người nhưng số vụ án trong một năm lên tới hàng trăm nghìn vụ.

Kết thúc năm 2022, hệ thống toà án phải giải quyết 570.000 vụ, tăng gấp đôi, nhưng biên chế phải giảm 10% theo tinh thần chung. Điều này tạo nên áp lực với tòa án. Chất lượng xét xử cũng bị ảnh hưởng.

"Trung bình mỗi thẩm phán phải xử 5 - 6 vụ/tháng, cá biệt có địa phương hơn 10 vụ. Một tháng xử nhiều như thế thì phần nào cũng ảnh hưởng chất lượng", ông Bình nói.

Ông Bình cho hay, TAND tối cao đã trình xin Thường vụ Quốc hội cho giữ biên chế của tòa án mà không phải giảm 10% theo quy định chung.

"Chúng tôi tham khảo kinh nghiệm nhiều nước xem 600.000 vụ/năm đã phải điểm dừng chưa? Với quốc gia 100 triệu dân như ở Việt Nam thì số lượng án xét xử là 1,5 - 2 triệu vụ, như vậy số lượng án có thể tăng chứ chưa dừng ở con số 600.000 vụ/năm.       ", ông Bình khẳng định.

Về cơ chế bảo vệ thẩm phán, Chánh án TAND tối cao xác nhận chế độ, chính sách của Việt Nam kém hơn so với nhiều nước, trong khi nhiều quốc gia có cơ chế bảo vệ rõ ràng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước