Chánh án TANDTC: Công lý không phải theo ý chí của người đi kiện

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 20/03/2023 11:10 GMT+7

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn

VTV.vn - Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu tình trạng nếu xử án không theo nguyện vọng, người đi kiện sẽ kiện đến cùng khiến giám đốc thẩm có nguy cơ trở thành một cấp xét xử.

Giám đốc thẩm có nguy cơ trở thành một cấp xét xử

Tại phiên chất vấn ở Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tòa án sáng 20/3, Đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) nêu số liệu, từ năm 2018 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân các cấp cao đã giải quyết được 4.166 đơn/46.226 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm như thế nào.

Chánh án TANDTC: Công lý không phải theo ý chí của người đi kiện - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Về vấn đề này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hiến pháp quy định hệ thống tư pháp phải có 2 cấp xét xử là sở thẩm và phúc thẩm còn giám đốc thẩm không được xem là một cấp xét xử. Tuy nhiên trên thực tế, đơn giám đốc thẩm quá nhiều lên đến 12.000 đến 16.000 đơn/năm, nguy cơ trở thành một cấp xét xử.

"Nếu xử án không hợp với nguyện vọng người đi kiện thì người ta sẽ kiện đến cùng, đến bao giờ được thì thôi. Công lý không phải theo ý chí của người đi kiện mà phải tuân thủ pháp luật. Không phải khi nào người đi kiện mà kiện được thì mới là công lý. Chúng ta chưa có giải pháp hạn chế giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử… Do đó nghiên cứu giải pháp hạn chế việc đi kiện kéo dài làm cho tố tụng không có điểm dừng" – ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Ngành tòa án có nhiều giải pháp nhằm tăng giải quyết đơn giám đốc thẩm. từ năm 2018 đến nay đã giải quyết được hơn 4.000 đơn nhưng tỉ lệ giải quyết còn khiêm tốn nhưng chủ yếu là do số đơn quá nhiều. Trong đó chỉ 5% có kháng nghị còn hơn 90% là trả lại đơn hoặc chuyển cơ quan khác.

Vì sao tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa còn cao?

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) đặt câu hỏi về tỷ lệ án hành chính bị hủy sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao và đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng này.

Chánh án TANDTC: Công lý không phải theo ý chí của người đi kiện - Ảnh 2.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình xác nhận, có tình trạng tỷ lệ hủy sửa án hành chính cao hay án hành chính có bản án rồi nhưng không được thực thi hoặc thực thi không nghiêm túc gây bức xúc…

Về nguyên nhân tình trạng này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chia sẻ, hiện tượng nể nang, né tránh là có thật nhưng không nhiều: "Đại đa số các thẩm phán đều chấp hành nghiêm, xử lý đúng theo các quy định pháp luật. Nhưng việc nể nang là cũng có. Nhưng đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hủy sửa cao".

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ ra nguyên nhân một số khác nhau, như việc chuẩn bị tài liệu của các bên không đủ, làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Luật quy định UBND các cấp phải cung cấp tài liệu, tuy nhiên trong thực tế, việc cung cấp tài liệu này không đủ, không đảm bảo. Một nguyên nhân khác là sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính còn rất hạn chế.

"Trưởng hợp cả nể dù ít nhưng cũng phải đặt ra. Chúng ta đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách đối với vụ án kiện ở huyện thì giao tỉnh xử lý, vụ án của tỉnh thì giao tòa chuyên biệt xử" – ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án là vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang) đề nghị Chánh án TANDTC cho biết giải pháp thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đề ra.

Chánh án TANDTC: Công lý không phải theo ý chí của người đi kiện - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang)

Về việc này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, độc lập là một trong những nguyên tắc căn cốt của tòa án như độc lập giữa các cơ quan, giữa các tòa án, giữa cấp trên cấp dưới…

"Chúng tôi rất quán triệt nguyên tắc này và đưa ra rất nhiều giải pháp để đảm bảo nguyên tắc này như quy trình phân án ngẫu nhiên. Một số nước cũng áp dụng phương án bấm nút chọn vụ án nào thì phải xử vụ án đó, tránh tình trạng thân quen, người nhà… Phân án ngẫu nhiên là giải pháp khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính. Thứ 2 là thường xuyên kiểm tra việc can thiệp trong công tác xét xử. Chúng tôi đặt ra quy định, Chánh án địa phương không được can thiệp công việc của các thẩm phán" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tôn trọng tuân thủ nguyên tác này, tránh trường hợp đại biểu có đơn đề nghị Chánh án chỉ đạo giải quyết vụ án.

"Chánh án không có quyền đó. Chúng tôi nhận đơn và sẽ chuyển đơn giải quyết theo thẩm quyền của từng tòa án để đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử. Có đồng chí trách là tại sao Chánh án chỉ đạo thì nếu Chánh án chỉ đạo thì sẽ vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử" - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước