Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Ảnh: TTXVN.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Sâu sát trong chỉ đạo, điều hành
Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là những thách thức lớn chưa từng có về thiên tai, dịch bệnh, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động. Kết quả đã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Báo cáo thẩm tra chỉ rõ: Chính phủ đã tích cực, chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đều xây dựng chương trình công tác hằng năm, ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch hành động cụ thể, đề ra phương châm đúng đắn, sát thực, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, khẩn trương và kịp thời để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thường xuyên tổ chức kiểm điểm, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện; thể hiện sự tích cực, chủ động, đồng thời nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các vấn đề thực tiễn phát sinh.
Chính phủ đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Ủy ban Pháp luật đánh giá cao những thành tựu Chính phủ đạt được trong nhiệm kỳ qua trong việc thực hiện phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là những kết quả rất quan trọng, cần được tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Theo báo cáo, Chính phủ quyết liệt thúc đẩy hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2016 - 2021. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới luôn biến động nhưng Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; duy trì nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu gắn với phát triển vững chắc thị trường nội địa; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, tạo khí thế mạnh mẽ, niềm tin, quyết tâm lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Chính phủ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân; thích ứng và ứng phó kịp thời với tình hình, nhất là trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19. Trong nhiệm kỳ, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đều đạt những kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, đề ra các biện pháp đúng đắn, chỉ đạo thực hiện sát sao, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Báo cáo cũng cho thấy, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.
Đánh giá rõ hơn kết quả giải ngân vốn đầu tư công
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Pháp luật đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung đánh giá, rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, giải pháp để bảo đảm yêu cầu, tiến độ xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử; làm rõ tác động của việc chậm hoàn thành nhiều quy hoạch lớn theo yêu cầu của Luật Quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp để sớm khắc phục. Báo cáo Chính phủ cần bổ sung phân tích, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm; đánh giá rõ hơn kết quả giải ngân vốn đầu tư công, hiệu quả đầu tư các dự án, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội cho doanh nghiệp và người dân.
Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo căn cứ vào các định hướng trong nghị quyết của Đảng và yêu cầu của tình hình phát triển đất nước; làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, cần xác định rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phương hướng, giải pháp khắc phục.
Chính phủ cần phân tích thành quả, hạn chế, các vấn đề cần được hợp tác xử lý trong các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với Chính phủ các nước láng giềng; đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế...
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm bài học kinh nghiệm về tổ chức thi hành pháp luật, nhất là vai trò của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi pháp luật gắn với nâng cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tập thể, từng cấp, từng cơ quan, người đứng đầu, việc thiết lập và duy trì kỷ luật, kỷ cương trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát thêm các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được chỉ ra để đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục đầy đủ, đồng bộ, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!