Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Chủ đề Hội thảo Quốc gia lần này là "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đồng chủ trì hội thảo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các tổ chức. Những nguyên tắc đặc trưng giá trị cốt lõi của nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ bản đã được định hình những khó khăn, vướng mắc, hạn chế bất cập trong quá trình cải cách tư pháp cũng đã được chỉ rõ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
Sau khi nghe nhiều ý kiến tham luận và thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đều thống nhất nhận thức rằng, cải cách tư pháp là một trong những trọng tâm của Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bởi trong hệ thống cơ quan tư pháp, Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến định, là biểu tượng của công lý, công bằng, lẽ phải, là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất của nhà nước pháp quyền. Do đó, trọng tâm của cải cách tư pháp vẫn nên tập trung cải cách tổ chức và hoạt động của Tòa án để Tòa án thực sự là trung tâm thực hiện quyền tư pháp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, vì thế phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!