Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ bảy, ngày 12/11/2022 06:41 GMT+7

VTV.vn - Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT quan tâm bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, nâng tầm giá trị của cây Sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe.

Tối 11/11, phát biểu khai mạc Hội chợ Sâm Lai Châu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp trong nước tham gia vào sứ mệnh phát triển Sâm Lai Châu và Sâm Ngọc Linh để loại "Quốc bảo" này giúp đồng bào các dân tộc ít người xóa đói giảm nghèo nhanh hơn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Lai Châu có cơ hội phát triển ngành sâm vì tỉnh có giải khí hậu trung tính và ôn hòa và có 6/10 ngọn núi cao, hùng vĩ nhất Việt Nam. Với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác, Việt Nam có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến nhân sâm thực thụ có giá trị cả tỷ USD trong những thập niên tới.

Để sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và một số loại sâm quý khác xứng danh với tên gọi "Quốc bảo" của Việt Nam, đòi hỏi sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản; không để cho từng địa phương hoạt động manh mún hoặc "tự bơi" trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn từ Chính phủ và các bộ ngành.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm, phổ biến những ưu điểm vượt trội của Sâm Lai Châu, Sâm Ngọc Linh so với các loại sâm và sản phẩm tương tự, nâng tầm giá trị của cây Sâm Việt Nam cả về mặt kinh tế lẫn phục hồi sức khỏe.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nâng tầm giá trị cây sâm Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày. Ảnh: TTXVN

Việt Nam là quốc gia đi sau nhiều nước trong chiến lược thương mại hóa cây sâm và sản phẩm từ sâm, do đó cần chú trọng phát triển bền vững, bài bản; lưu ý về chất lượng sản phẩm, sản lượng, quy mô, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho Sâm, bảo hộ sản xuất và làm tăng giá trị của Sâm.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, điều cần thiết trước hết là bảo vệ nguồn gene thuần chủng cây Sâm Lai Châu, bảo đảm không bị lai tạp hay nhầm lẫn với các loài sâm hay dược liệu khác; nghiên cứu thêm về giá trị lịch sử của Sâm Lai Châu, đẩy mạnh truyền thông các giá trị độc đáo của Sâm Việt Nam, tạo cơ hội cạnh tranh với các cường quốc sản xuất nhân sâm trên thế giới. Khẩn trương hoàn thiện quy định về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Đối với Sâm, đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế du lịch. Tỉnh cần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững; tạo thuận lợi để người dân trồng, phát triển cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Lai Châu để "sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng", góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu. Tất cả các bộ phận của cây đều được dùng để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm Lai Châu thuộc họ Nhân sâm, chi Panax, phân bố ở độ cao 1.400m - 2.200m so với mặt nước biển, phù hợp với địa hình khí hậu phần lớn các xã vùng biên giới, vùng cao của tỉnh Lai Châu.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, Sâm Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng số rất cao lên tới 21,34%, Đặc biệt, Sâm Lai Châu có Majonosid - R2(MR2) là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở Sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu. Sâm Lai Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước