Chủ tịch Quốc hội: "Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà"

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 10/08/2020 19:47 GMT+7

VTV.vn - “Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì tiến bộ, thuận tiện cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Ngày 10/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp, các thành viên của Ủy ban đã cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật Cư trú, trong đó có việc thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp với xu hướng của thế giới và góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Nhiều ý kiến đề nghị cần đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để đưa luật vào cuộc sống, cũng như giảm thời gian chuyển tiếp để có thể bỏ sổ hộ khẩu sớm hơn.

Chủ tịch Quốc hội: Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: "Cái gì tiến bộ, cái gì hiện đại, cái gì thuận tiện cho cuộc sống của nhân dân thì chúng ta phải làm. Đừng luyến tiếc những thủ tục hành chính quá rườm rà. Giảm bớt các thủ tục cho dân nhờ. Mấy chục quy định liên quan đến sổ hộ khẩu là những thủ tục do chúng ta định ra, nó lạc hậu rồi thì chúng ta bỏ, chúng ta cải cách, đổi mới".

Theo Chủ tịch Quốc hội, để luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, Chính phủ, Bộ Công an cần xác định rõ các mốc thời gian để phấn đấu. Các vấn đề còn "lấn cấn" thì trình Quốc hội lấy ý kiến hoặc kiến nghị gia hạn thêm thời gian.

Chủ tịch Quốc hội: Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà - Ảnh 2.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: "Nếu để hộ khẩu kéo dài đến 2025, thêm 5 năm, thì quyết tâm thực hiện không cao. Hiện Chính phủ, Bộ Công an đang rất nỗ lực. Đối chiếu quy định và nỗ lực chung thì hoàn toàn có cơ sở. Quy định thời điểm có hiệu lực của Luật là từ ngày 01/7/2021".

Đối với việc giao cho Hội đồng nhân dân tại các địa phương quy định điều kiện về thường trú, một số ý kiến đề nghị cần tránh việc tạo ra các quy định mới khó kiểm soát, phá vỡ tính thống nhất của Luật Cư trú. Về thời điểm có hiệu lực pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và địa phương rà soát các Thông tư, Nghị định để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định cho phù hợp với Luật, bởi hiện có tới 30 thủ tục hành chính cần tới sổ hộ khẩu.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một số thành viên cho rằng cần nâng mức xử phạt, thậm chí áp dụng các hình phạt bổ sung để tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong phiên họp vào chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Biên phòng Việt Nam.

Bỏ sổ hộ khẩu là văn minh, tạo thuận lợi cho người dân Bỏ sổ hộ khẩu là văn minh, tạo thuận lợi cho người dân

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng bỏ sổ hộ khẩu là văn minh, phù hợp với xu hướng của thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước