"Chúng ta đã quá chú tâm phát triển kinh tế mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức"

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 29/03/2021 17:22 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Nhiều ĐBQH cho rằng, việc phát triển văn hóa, đạo đức chưa tương xứng với việc phát triển kinh tế trong khi giáo dục là điểm kém sáng trong bức tranh của nhiệm kỳ.

Mong muốn Chính phủ mới tập trung hơn nữa vào giáo dục, y tế

Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29/3, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đã đưa 3 vấn đề với hy vọng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tìm ra câu trả lời và các giải pháp hiệu quả.

Vấn đề thứ nhất là việc có hàng trăm kiến nghị của cử tri được các đại biểu Quốc hội chuyển đến những chưa được Chính phủ trả lời hoặc có kết luận nhưng chưa được thực hiện. Đại biểu Hiếu đề nghị Chính phủ tổng kết kiến nghị có số lượng đại biểu Quốc hội, số lượng các đoàn đại biểu Quốc hội được đề xuất nhiều nhất, và công khai ý kiến này trên các kênh thông tin đại chúng để cử tri giám sát.

Thứ hai là việc xây dựng, soạn thảo đạo luật Quốc hội giao cho Chính phủ và các bộ, ngành cần có cách làm minh bạch hơn để đảm bảo tiến độ.

"Nhiều dự thảo luật đưa ra còn quá nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội, ngay cả trong quá trình thảo luận luật, thậm chí có đạo luật vừa ban hành đã phải dừng lại để sửa đổi" - ĐBQH đoàn An Giang nhấn mạnh.

Trong số đó, Luật Khám, chữa bệnh đã được sửa đổi đã 3 kỳ liên tiếp gần đây có trong chương trình nghị sự nhưng được thảo luận. Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh, đây là luật có tác động rất lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Đại biểu mong muốn đạo luật này sẽ có trong danh sách được đưa vào sửa đổi ngay trong kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XV.

Chúng ta đã quá chú tâm phát triển kinh tế mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Vấn đề cuối cùng được ông Nguyễn Lân Hiếu đưa là về đạo đức xã hội. Đại biểu đoàn An Giang đặt câu hỏi: "Liệu xã hội ngày nay có càng bất ổn hay không, mặc dù tất cả chúng ta đều khẳng định chưa bao giờ có một tiền đồ đẹp như ngày hôm nay. Kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn. Phải chăng là nghiệp vụ điều tra, truy tố của chúng ta tốt hơn nên phát hiện ra nhiều vụ hơn mà trước đây bỏ sót hay vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng như đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu khiến cho nhiều người bị dồn đến đường cùng vi phạm pháp luật".

"Theo tôi, lý do chủ yếu là chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt cho thế hệ trẻ. Giáo dục là một lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021" - đại biểu Hiếu nêu rõ.

ĐBQH đoàn An Giang mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế - hai trụ cột của an sinh xã hội để nước ta có thể phát triển bền vững, người dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe.

Cần dùng pháp trị để lập lại trật tự đạo đức, văn hóa xã hội

Cùng có quan điểm như đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ băn khoăn về việc phát triển văn hóa chưa tương xứng với việc phát triển kinh tế, mặc dù đã đầu tư nhiều khoản kinh phí cho việc phát triển văn hóa.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Kết thúc một nhiệm kỳ, mở đầu nhiệm kỳ mới, đại biểu đề nghị có giải pháp tổng thể, hiệu quả để phát triển văn hóa, từ đó huy động sức mạnh to lớn để đưa đất nước vượt qua các khó khăn.

"Việc bồi đắp văn hóa là việc cần làm mọi lúc, mọi nơi và không có điểm dừng" - bà Nga nhấn mạnh.

Chúng ta đã quá chú tâm phát triển kinh tế mà chưa chú trọng giáo dục đạo đức - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu phát biểu. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng đánh giá thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ qua là Chính phủ đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nhưng điểm chưa được là sự đến nơi đến chốn trong công tác cải cách, nhất là những cải cách quan trọng ảnh hưởng đến cả xã hội, chẳng hạn cải cách về giáo dục đào tạo.

"Đến giờ các cháu học sinh lớp một vẫn phải đi học thêm; lĩnh vực văn hóa xã hội chưa có sự bứt phá nếu không nói là thụt lùi" – bà Châu nói.

Cũng về vấn đề đạo đức xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, quan hệ đạo đức văn hóa xã hội đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải rà soát lại các quan hệ đạo đức, văn hóa xuống cấp để nâng lên thành quan hệ pháp luật.

"Khi đạo đức văn hóa xuống cấp chúng ta không thể dùng đức trị được nữa, mà dùng pháp trị, tức là dùng biện pháp mạnh mẽ hơn, cứng nhắc hơn để lập lại trật tự đạo đức, văn hóa xã hội từ trong gia đình, ngoài xã hội đến nhà trường" - đại biểu đoàn Cà Mau cho biết.

'Sự cố sách giáo khoa là câu chuyện cay đắng rất đáng phải quên' "Sự cố sách giáo khoa là câu chuyện cay đắng rất đáng phải quên"

VTV.vn - Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đã tiếp tục phát biểu những ý kiến của mình về vấn đề giáo dục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước