Thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu ý kiến, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết, sự nghèo hay không nghèo là một biến số. Giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Một gia đình bình thường có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên bị ốm, lâm bệnh nan y thì tự nhiên trở thành người nghèo.
Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.
Theo ông Nghĩa, sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình mục tiêu, các chính sách của nhà nước mãi mãi chỉ là sự hỗ trợ, chỉ có ý nghĩa khi các chủ thế có ý thức vươn lên.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh quan điểm thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân.
Ông Nghĩa băn khoăn tại sao cùng trong một điều kiện, cùng một khu vực, cùng hoàn cảnh mà có người vươn lên thoát nghèo; có những người lại khó khăn mãi, chỉ mong được là hộ nghèo. Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn mà được trở lại hộ nghèo thì vui. Bởi họ mong muốn tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo.
Đại biểu đoàn Phú Yên cho rằng cần có sự thay đổi rất cơ bản về nhận thức của đối tượng, của các chủ thể được hưởng thụ chính sách để có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.
Đại biểu cho rằng cần nhìn các nước xung quanh có điều kiện xem họ xóa đói giảm nghèo thế nào, xây dựng nông thôn mới ra sao. Bởi chắc chắn nước ta không phải quốc gia đầu tiên thực hiện chính sách này, vậy tại sao chúng ta cứ mãi khó khăn như vậy?
"Có tiền chúng ta tiêu rất vội, nỗ lực giải ngân nhưng hiệu quả và thước đo đến được đúng đối tượng để tạo sự chuyển biến của một cá nhân, một gia đình, của một vùng hoặc thay đổi về nhận thức, tư duy rất khó khăn", đại biểu nói.
Đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân, cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương. Trong đó, cần giao quyền tự chủ, không loay hoay với việc "đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương".
Hết chương trình, hết dự án, "nghèo lại hoàn nghèo"
Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) bàn về nhận thức của người dân về công tác tuyên truyền đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đánh giá về mục tiêu của các chương trình thời gian qua, đại biểu cho rằng, có những người dân chưa muốn thoát nghèo.
Mặc dù đánh giá cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua, tuy nhiên đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài.
Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì "nghèo lại hoàn nghèo".
Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các chương trình, phải đảm bảo mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ.
"Lúc bấy giờ người dân sẽ nhận thức được và không ai muốn quay lại nghèo. Đây mới là giải pháp căn cơ", ông Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì "nghèo lại hoàn nghèo"
Cùng quan điểm, với chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đề nghị xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả. Cần đưa tiêu chí để đánh giá và xét danh sách cộng đồng nghèo để có cơ sở triển khai hỗ trợ cộng đồng đối với những nội dung cần thiết. Cần đánh giá đúng thực trạng về việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!