Bước sang tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian làm việc trong ngày hôm nay (30/10) để thảo luận về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Buổi sáng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Các đại biểu sẽ xem videoclip về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thành viên Chính phủ có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo chương trình dự kiến, thành viên Chính phủ dự phía dưới hội trường để tham gia giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội khi được yêu cầu, gồm:
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
- Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Phiên thảo luận của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được truyền hình trực tiếp từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 ngày 30/10 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia luôn chậm là vấn đề trăn trở
Trước đó, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 1 Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
Là người trực tiếp chỉ huy triển khai 3 CTMTQG, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, việc triển khai thực hiện 3 CTMTQG luôn luôn chậm là vấn đề trăn trở. Về vấn đề chuyển nguồn, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đề xuất với Quốc hội chuyển nguồn của năm 2023 sang năm 2024. Qua đó, Chính phủ đã đề nghị các địa phương bằng mọi giá sẽ giải ngân hết nguồn vốn năm 2023 và các địa phương đã cam kết điều này.
Về cơ chế thí điểm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn UBTVQH tính toán theo hương cho cơ chế hoặc nguyên tắc, Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo, cụ thể để trình Quốc hội, UBTVQH vào thời điểm thích hợp, với nguyên tắc chỉ thí điểm cho đến hết năm 2025, giai đoạn sau chúng ta sẽ thực hiện tư duy mới, cách làm mới, quy định mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!