Chiều 8/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tại Đà Nẵng, nhiều cử tri quan tâm theo dõi phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp.
Cử tri Lê Thị Hòa (Kế toán, Công ty Kamora, thành phố Đà Nẵng) cho hay, phiên chất vấn chiều 8/6 rất sôi nổi, trách nhiệm, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, bình tĩnh và tự tin. Bên cạnh đó, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi đi sâu vào vấn đề mà các cử tri đang băn khoăn, mong muốn lãnh đạo ngành giải thích rõ, cụ thể.
Quan tâm đến vấn đề triển khai hóa đơn điện tử, bà Lê Thị Hòa cho rằng, hóa đơn điện tử được triển khai rộng sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người nộp thuế, mang lại hiệu quả trong việc quản lý điều hành tài chính quốc gia. Mặc khác, việc này phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi số, giúp giảm chi phí in, vận chuyển, lưu trữ, bảo quản, giảm thủ tục hành chính… Cử tri Lê Thị Hòa kiến nghị, Bộ Tài chính cần xây dựng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phân tích quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. Bộ cũng cần nhanh chóng triển khai hóa đơn điện tử rộng rãi tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, hoàn thiện các chính sách về thuế để đảm bảo lợi ích cho người nộp thuế.
Tương tự nhận xét của cử tri Lê Thị Hòa về phiên chất vấn chiều 8/6, cử tri Lê Phô (Giám đốc Công ty Bao bì Thiện Toàn, thành phố Đà Nẵng) đánh giá, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã thẳng thắn trả lời, không né tránh những vấn đề quản lý của ngành. Đặc biệt, tại buổi chất vấn, tham gia làm rõ vấn đề, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp kiểm soát lạm phát; đề xuất giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu.
Theo ông Lê Phô, đây là vấn đề mà người dân, và các doanh nghiệp đang quan tâm. Giá xăng dầu hiện tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là sau thời gian dịch COVID-19 kéo dài. Nếu không điều chỉnh giá xăng kịp thời sẽ dẫn đến lạm phát và chính quyền cũng rất khó để kiểm soát. Cử tri Lê Phô đề nghị, Chính phủ cần có chính sách kịp thời để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá xăng dầu, xử lý về đầu cơ các mặt hàng…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!