Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: TTXVN
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững
Chiều 8/6, Quốc hội đã hoàn thành việc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tài chính là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nhiều chính sách tài chính đều có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp nên việc lựa chọn lĩnh vực này để chất vấn tại kỳ họp đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Qua chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực, các vấn đề liên quan đến tài chính đã có 72 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các đại biểu đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của một số Bộ trưởng, một số vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính để được xem xét, trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua Báo cáo của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và dịch COVID-19 thu ngân sách khó khăn, chi ngân sách tăng cao để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành trong thẩm quyền hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng cao, tiến độ thu ngân sách năm tháng đầu năm 2022 đạt khá. Các cân đối lớn được bảo đảm; kiểm soát được lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách trong mức cho phép. Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua mọi khó khăn do tác động của dịch bệnh. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế được ban hành và triển khai giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã góp phần làm lành mạnh thị trường vốn, thị trường tài chính nói chung.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, lĩnh vực thuộc nhóm nội dung chất vấn này còn một số bất cập, hạn chế: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm thi hành. Nhiều chính sách quan trọng đang trong quá trình hướng dẫn, chưa áp dụng trong thực tiễn một số chính sách đã được thực hiện nhưng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu. Chưa hoàn thành Đề án về tổng mức huy động nguồn lực cho Chương trình, kể cả vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Quản lý thu ngân sách còn bất cập, nhất là đối với thuế chuyển nhượng bất động sản, chuyển giá của doanh nghiệp, nhất là FDI các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới…
Công tác phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải chủ động, tích cực và đồng bộ hơn để hoàn thiện danh mục dự án giao vốn cho dự án sử dụng vốn của Chương trình. Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất giải ngân được số tăng bội chi, nguồn lực bổ sung và điều hợp lý giữa nguồn vốn thuộc kế hoạch tài chính, kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là đối với đầu tư kết cấu hạ tầng. Áp lực lạm phát trong trung hạn lớn, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, than, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, có hiện tượng đầu cơ găm giá, tăng giá bất hợp lý, mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm tiêu chuẩn, định mức tài sản như trụ sở, định mức chi tiêu chưa hướng dẫn cụ thể theo Nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ nên còn ách tắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế nói chung, trang thiết bị phòng, chống dịch nói riêng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm, trì trệ do bất cập, vướng mắc cả về khuôn khổ pháp lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ và cả trong tổ chức thực hiện. Quá trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện còn bất cập. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững. Việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm bằng tài sản rủi ro còn lớn.
Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 43
Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:
Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phê duyệt và triển khai Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình, sửa đổi quy định về sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Rà soát các hướng dẫn chính sách thuế để triển khai hiệu quả trong thực tiễn, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để sớm điều hòa, phân bổ vốn cho dự án.
Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 và giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác, dự kiến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023. Tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới.
Xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá. Tính toán kỹ khi điều chỉnh đối với giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần đánh giá kỹ tác động đến CPI.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
Sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung. Bảo đảm mua sắm các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Khẩn trương ban hành danh mục, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là Nghị định 32. Hoàn thiện các quy định về định giá doanh nghiệp, việc tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, cá thể hóa trách nhiệm trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!