Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trước Quốc hội vào chiều 7/11, đại biểu Tao Văn Giót (tỉnh Lai Châu) nêu tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok, YouTube… về thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định nội dung, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận.
Các thực phẩm này được quảng cáo như thuốc chữa bệnh sử dụng danh nghĩa của các cơ quan như y tế, cắt ghép hình ảnh của VTV, bệnh viện, Bộ Y tế… hay ý kiến của người nổi tiếng diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây nhầm lẫn và thiệt hại cho người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ít thông tin.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, lâu dài.
Đại biểu Tao Văn Giót (tỉnh Lai Châu)
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các quảng cáo này thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Vừa qua Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các mạng xã hội.
Hiện nay tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội, trong đó có các mạng xã hội xuyên biên giới là rất nghiêm. Nhưng vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực thì phải thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn thì sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.
Bộ trưởng Hùng lấy ví dụ vấn đề thuốc hay thực phẩm chức năng là trách nhiệm của Bộ Y tế.
Đài Truyền hình Việt Nam từng nhiều lần phản ánh về tình trạng mạo danh bác sĩ, lương y; thậm chí có cả những câu lạc bộ diễn viên quần chúng chuyên đóng giả bệnh nhân; để lừa bán thực phẩm chức năng.
Dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên đến mức giả mạo cả chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam để đánh lừa người bệnh.
Một phóng sự quảng cáo loại thực phẩm chức năng có tên Cát Vượng Hoàn được đưa lên nhiều trang mạng xã hội. Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ những phóng sự này được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam vì có gắn logo ở góc màn hình nhưng thực tế clip này hoàn toàn không phải do VTV sản xuất.
Quảng cáo mạo danh VTV, sai sự thật
Thực phẩm chức năng nhưng lại thổi phồng lên như thần dược để bán với giá gần 800.000 đồng/hộp. Dù liên tục bị vạch trần nhưng những đơn vị sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn dựng lên hết thần y này đến lương y khác vẫn được dựng lên nhằm bòn rút những đồng tiền cuối cùng của người bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!