Đại biểu Quốc hội kiến nghị giảm lãi suất, thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Thu Trà, Quang Hạnh-Thứ năm, ngày 23/05/2024 14:44 GMT+7

VTV.vn - Tại phiên sáng 23/5, các đại biểu đã đưa ra kiến nghị về giảm lãi suất, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đồng thời có chính sách phù hợp nhằm tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Sáng nay (23/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao cho năm 2023 và năm 2024; đồng thời đưa ra kiến nghị về giảm lãi suất, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

"Để hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng cần phải thực hiện các gói hỗ trợ về lãi suất có mục tiêu. Chẳng hạn chúng ta nhìn thấy cùng với 40.000 tỷ, nhưng 3.000 tỷ dùng cho chính sách xã hội, giải ngân hết sớm hơn thời hạn. Vì vậy tôi cho rằng, tài khóa chúng ta nên chuyển sang hướng để giảm lãi suất thông qua chương trình hỗ trợ, mà phải xác định mục tiêu rõ ràng", ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị giảm lãi suất, thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

"Tôi đề nghị nên có cơ chế chính sách để chúng ta tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công. Công trình dự án nào hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng cao thì chúng ta nên khen thưởng kịp thời và cũng kết thúc để giải ngân. Đối với công trình hoàn thành chậm, tiến độ kéo dài, đội vốn lên, chúng ta cũng phải có chính sách xử phạt và không cho tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo", ông Huỳnh Thanh Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đề xuất.

Cùng với đó, các đại biểu đề nghị cần quan tâm, có các chính sách phù hợp nhằm tăng sức chống chịu của nền kinh tế, tránh tổn thương trước biến động từ bên ngoài.

"Cần phải có nghiên cứu đánh giá là có độ mở của nền kinh tế nước ta bao nhiêu là phù hợp bởi vì chúng ta không chỉ là một quốc gia xuất khẩu, mà chúng ta còn là quốc gia có thị trường lớn, 100 triệu dân là quốc gia có thị trường lớn thì chúng ta phải cân đối xem độ mở đến đâu là phù hợp với nền kinh tế nước ta, để từ đó có câu trả lời, giải đáp về chính sách cho phù hợp", ông Phạm Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, nói.

Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu đề nghị cần nhanh chóng triển khai thi hành các luật mới được Quốc hội thông qua, giúp làm tốt hơn công tác này.

"Một loạt luật mới đã được sửa đổi, nên có rất nhiều chính sách mới cởi mở hơn, tốt hơn, chặt chẽ hơn trong vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên do đó rất mong áp dụng luật mới được mới về đất đai, về bất động sản để ngăn chặn sự lãng phí đất đai, tài nguyên", ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đề nghị.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

VTV.vn - Chiều 23/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước