"Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc không thể nói có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh"

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 30/08/2020 20:25 GMT+7

ĐBQH Phạm Phú Quốc trong một lần phát biểu ý kiến tại Quốc hội- Ảnh: Quochoi.vn

VTV.vn - Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội, khi nói về việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch.

Thông tin trên báo chí về việc ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus đã gây bất ngờ cho dư luận. Bất ngờ bởi lẽ, không chỉ đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, một công ty nhà nước của TP.HCM, ông Phạm Phú Quốc còn là một đại biểu Quốc hội đương nhiệm - người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Việc đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch nước ngoài chỉ bị phát hiện sau khi loạt bài điều tra của hãng tin Al Jazeera, cơ quan truyền thông có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Đông nêu đích danh tên ông và vợ được nhận quốc tịch Cộng hòa Cyprus. Tất nhiên, đây mới chỉ là thông tin từ báo đài nước ngoài.

Tuy nhiên, chiều ngày 25/8 vừa qua, tờ Tuổi trẻ TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn với ông Quốc. Và trong cuộc trao đổi này, ông Phạm Phú Quốc - đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức thừa nhận mình có quốc tịch nước Cộng hòa Cyprus từ năm 2018.

Ông Phạm Phú Quốc cho biết thêm, quốc tịch Cộng hòa Cyprus là do vợ con ông, đang là doanh nhân bảo lãnh, để tương lai khi ông được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình. Hoàn toàn không có việc "mua quốc tịch" với giá 2,5 triệu USD.

Sự thật đã rõ ràng! Người trong cuộc cũng đã thừa nhận mình có quốc tịch nước ngoài. Có một thắc mắc mà nhiều người đặt ra khi nghe tin này, đó là: đại biểu Quốc hội Việt Nam có được phép có hai quốc tịch không? PV đã tìm gặp một số chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề này.

Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác". Theo lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp như vậy về cơ bản vẫn áp dụng nguyên tắc "một quốc tịch" với đại đa số người dân trên lãnh thổ Việt Nam. Việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số trường hợp rất đặc biệt và hãn hữu. Và ông Phạm Phú Quốc không nằm trong diện đặc biệt.

"Nếu anh đã biết mình là công dân Việt Nam, mình là đại biểu Quốc hội, mình là cán bộ công chức, mình phục vụ cho đất nước này, mình là công bộc của dân mà mình lại cố tình mang một quốc tịch thứ hai thì đấy là mình vi phạm, vi phạm vào nguyên tắc Điều 4 của Luật Quốc tịch 2018" - ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp nói.

Là đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân, cán bộ công chức thì lại càng phải trung thành với nhà nước Việt Nam, càng phải trung thành với lý tưởng cách mạng và phục vụ nhân dân. Vì thế câu hỏi của dư luận xã hội, của rất nhiều người đặt ra ở đây là: mục đích anh có quốc tịch thứ hai để làm gì?

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng ông Quốc không thể nói có quốc tịch là do gia đình bảo lãnh. Bởi quốc tịch là quyền luôn gắn với nhân thân của con người, chỉ được thực hiện khi cá nhân đó thể hiện ý chí muốn hay không muốn. Là đại biểu Quốc hội, hơn ai hết ông Phạm Phú Quốc càng phải nắm rõ những điều này.

"Công dân được làm những gì pháp luật không cấm nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Mà không có pháp luật nào cho phép ông ấy được nhập hai quốc tịch cả" - ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay.

Đó là ý kiến của một số chuyên gia. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng chúng ta phải chờ kết luận chính thức của các cơ quan hữu quan.

Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam, lãnh đạo Ban Công tác đại biểu Quốc hội thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đến thời điểm này mới chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí, chứ từ trước đến nay chưa từng nhận được bất kỳ báo cáo nào từ chính ông Phạm Phú Quốc hay các cơ quan hữu quan của TP.HCM - nơi được phân cấp quản lý trực tiếp vị đại biểu Quốc hội này và cũng là đảng viên về việc có thêm quốc tịch nước ngoài.

"Chúng tôi cũng đang làm văn bản gửi cá nhân đồng chí Phạm Phú Quốc và các cơ quan có thẩm quyền để xác minh việc đại biểu Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch. Về mặt nguyên tắc, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, nếu có thay đổi về mặt lý lịch thì ĐBQH phải báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, về cá nhân đại biểu cũng như Đoàn ĐBQH TP.HCM, cơ quan quản lý đại biểu này chưa có báo cáo chính thức nào bằng văn bản với Ban Công tác đại biểu. Sau khi có kết quả xác minh từ Đoàn ĐBQH TP.HCM, Ban Công tác đại biểu sẽ tập hợp các hồ sơ liên quan và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định" - ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho biết.

Tháng 12 năm ngoái, khi đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, ông Phạm Phú Quốc được điều động và phân công giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận, một doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM sở hữu 100% vốn điều lệ.

Vậy ông Phạm Phú Quốc, với tư cách là đại biểu Quốc hội, với tư cách là một cán bộ, công chức; với tư cách là một đảng viên đã trung thực với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân trong việc kê khai, báo cáo về việc sở hữu 2 quốc tịch hay không? Vì sao ông phải giấu diếm tổ chức? Còn quá nhiều câu hỏi mà có lẽ, chỉ có sự trung thực từ chính ông mới giải đáp được mà thôi. Ông cũng quá rõ việc từng có một đại biểu Quốc hội đã bị miễn miễn nhiệm vì có 1 quốc tịch khác, ngay đầu nhiệm kỳ này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước