Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam

H.T-Thứ sáu, ngày 19/06/2020 15:55 GMT+7

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 về tiêu chuẩn một quốc tịch với đại biểu Quốc hội.

Ngày 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với tỷ lệ 445/451 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu.

Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội trình Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung, tập trung vào các nội dung về tiêu chuẩn một quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội; việc quyết định số lượng và phê chuẩn (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH; việc bảo đảm kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn ĐBQH; việc tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách...

Luật này bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 22 về tiêu chuẩn một quốc tịch với đại biểu Quốc hội như sau:

1a. Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH là "chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

Theo giải trình của UBTVQH, theo quy định tại Điều 4 của Luật Quốc tịch, "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác". Như vậy, bản thân cụm từ "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" đã có nội hàm là chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ hai.

Hiện tại, ngoài Luật Quốc tịch, trong hệ thống pháp luật còn có ít nhất 2 luật khác đã sử dụng cụm từ "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" để xác định yêu cầu chỉ có một quốc tịch của công dân Việt Nam, đó là Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương . Vì vậy, nếu Luật Tổ chức Quốc hội bổ sung từ "chỉ" trước cụm từ "có một quốc tịch" thì sẽ tạo ra sự thiếu thống nhất, gây ra cách hiểu khác đối với quy định của các luật có liên quan.

Tại điểm a khoản 1 Điều 36 của Luật Cán bộ, công chức quy định một trong các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 8 cũng quy định tiêu chuẩn của đại biểu HĐND là "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

Về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, Luật này sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:

2. Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, khoản 2 Điều 23 đã được chỉnh lý theo hướng nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH.

UBTVQH thấy rằng, việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước