Tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng đã rút ra 5 bài học hết sức quan trọng, trong đó nhấn mạnh quan điểm phải lấy "dân là gốc".
Tại Đại hội lần này, bài học "dân là gốc" còn tiếp tục được phát triển bổ sung. Theo đó, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng với thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, Nghị quyết đòi hỏi phải coi trọng thực hiện cả dân giám sát và dân thụ hưởng. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của dư luận.
Tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, con đường vừa được nâng cấp theo chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phần lớn kinh phí để cải tạo cống thoát nước, lắp đèn chiếu sáng và chỉnh trang con đường do chính bà con nơi đây đóng góp. Từ những gì đang có, bà con nơi đây hiểu rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương dân giám sát, dân thụ hưởng trong văn kiện Đại hội XIII.
Với quyết sách được thông qua tại Đại hội XIII, nhiều ý kiến cho rằng sắp tới người dân không những được biết, được làm mà còn được giám sát và hưởng thụ nhiều hơn những gì mình làm ra. Đây không chỉ là mục tiêu, mà còn sẽ trở thành động lực để khơi dậy sức dân đóng góp cho quá trình phát triển.
Trong suốt lịch sử 90 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, tư tưởng vì dân, đem lại lợi ích cho nhân dân luôn là nhất quán. Tư tưởng ấy đã được thể chế hoá ngay trong Hiến pháp, cũng như các quyết sách của Đảng, qua nhiều thời kỳ.
Tại Đại hội XIII lần này, tư tưởng dân là gốc đã được đúc kết thành bài học riêng, với những nguyên tắc cơ bản, định hướng mọi sách lược chủ trương của Đảng trong giai đoạn tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định:
Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc".
Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích của nhân dân.
Dân là gốc chính là phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn quyền làm chủ của nhân dân.
Để chủ trương này đi vào thực tiễn cuộc sống thì lợi ích của nhân dân phải là trước hết và trên hết trong chu trình hoạch định và triển khai chính sách.
Nhân dân được thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển. Bài học lấy dân làm gốc sẽ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn khi chủ trương này được thực thi một cách hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!