Đại hội XIII và đường lối chấn hưng văn hóa

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 25/11/2021 20:21 GMT+7

VTV.vn - Sau bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều ý kiến đánh giá cao quan điểm và kỳ vọng về đường lối của Đảng chấn hưng văn hóa.

Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Những lời phát biểu tâm huyết như rút ra từ tâm can của người lãnh đạo cao nhất của Đảng tại hội nghị đã dành được sự đánh giá và đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người đang công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Nhiều ý kiến đã cho rằng, những vấn đề cốt lõi, trọng tâm trong đường lối phát triển văn hóa của Đại hội XIII thể hiện qua bài phát biểu của Tổng Bí thư sẽ là cơ sở để chấn hưng văn hóa của dân tộc.

"Không phải ngẫu nhiên trong hội nghị văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong thời kỳ đổi mới không có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay và hầu như không có những cái tác phẩm có giá trị xuất sắc, xứng tầm thời đại như giai đoạn trước kia và điều đó cho thấy, văn hóa chưa theo kịp với sự phát triển của những lĩnh vực khác", ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định.

Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: "Vai trò, vị trí của văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc chính là căn cước để chúng ta khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế cũng như là căn cước để chúng ta đi ra và hội nhập quốc tế. Nếu không giữ gìn được cái hồn cốt dân tộc, căn cước đặc trưng riêng của mình, bản sắc dân tộc của mình thì sẽ dẫn đến tình trạng lai căng, vong bản và điều này dẫn đến nguy hại không chỉ về phương diện văn hóa".

Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Một lần nữa Đảng đặt ra trọng trách và sứ mệnh của văn hóa dân tộc đối với sự phát triển của đất nước và các văn nghệ sĩ cũng như tất cả người dân đợi chờ và tin rằng, chúng ta chỉ bước trên con đường trên nền tảng văn hóa thì chúng ta mới mang lại được tinh thần sống, cái lẽ sống cho con người".

Nhiều người cho rằng, bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa đã và đang tạo ra động lực và khí thế lớn cho văn hóa phát triển, trở thành là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra những giải pháp, định hướng, những quyết sách cho phát triển văn hóa là hoàn toàn chuẩn mực, đáp ứng sự mong đợi của ngành văn hóa cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức bởi vì, muốn cho văn hóa phát triển đòi hỏi phải có cơ chế, có chính sách, có đường lối, có chủ trương thì mới có điều kiện hoạt động được".

"Phát biểu, chỉ đạo của Tổng Bí thư là đặc biệt quan tâm văn hóa, chính trị, trước hết là văn hóa trong Đảng, văn hóa trong hệ thống chính trị, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, công chức và sự gương mẫu này mục đích cao nhất chính là văn hóa ứng xử, gắn bó với nhân dân và tất cả là vì nhân dân", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Với những nội dung quan trọng, sâu sắc và mang tầm chiến lược xuyên suốt thời kỳ đổi mới, những tình cảm sâu sắc và kỳ vọng của Tổng Bí thư và Đảng ta có cơ sở để tin tưởng sự nghiệp phát triển văn hóa tới đây sẽ được quan tâm đúng mức, đúng tầm, thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và "soi đường cho quốc dân đi".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước