Những ngày tháng 5, đường phố ngập tràn biểu ngữ, băng rôn, khẩu hiệu nhưng có những người, thế giới của họ chỉ là một màu tối đen.
Bà Từ Kim Hạnh, thành viên Hội người mù quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ: "Như các nhiệm kỳ trước, con hoặc người thân sẽ gạch cho tùy thích, thích gạch ai thì gạch. Năm nay có file âm thanh, chúng tôi sẽ được nghe kĩ hơn và sẽ hiểu người nào có tâm có đức, giúp ích được cho dân".
Trước ngày hội bầu cử nhiều ngày, bà Hạnh và các thành viên đại diện của Hội người mù quận Thanh Xuân đã được hướng dẫn cách sử dụng bộ tài liệu âm thanh về cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và hội đồng nhân dân.
Anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân cho biết: "Trong mùa dịch, chúng tôi sử dụng phương pháp này để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tuy nhiên vẫn đảm bảo cho người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung về phương pháp bầu cử".
Nhóm thành viên cao tuổi sẽ được hướng dẫn nghe bằng radio, còn những người trẻ hơn sẽ được tiếp cận tài liệu qua các ứng dụng trên mạng xã hội.
Anh Nguyễn Huy Cường - Thành viên Hội người mù quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội: "Có những tài liệu phụ thuộc người nhà đọc cho rất bất tiện. Đối với bầu cử lần này, tôi hoàn toàn được chủ động, đủ điều kiện như một công dân bình thường khác".
Tại buổi rà roát danh sách cử tri tham gia bầu cử, trong đó những cử tri là người khuyết tật cũng được tổ bầu cử đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Duy Thái, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội cho biết: "Xã có 170 người khuyết tật. Đại đa số là những người có đủ điều kiện, vận hành tới tổ bầu cử được. Số ít là già yếu và vận động kém. Những người như thế, tổ bầu cử có trách nhiệm đem hòm phiếu phụ đến tận nhà để cho người ta thực hiện quyền công dân".
Bằng những hoạt động thiết thực, khoảng cách của người khuyết tật, người yếu thế với mọi người được xóa nhòa. Tất cả cùng hướng tới Ngày hội của non sông, đất nước, ngày hội của tất cả mọi người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!